Cá Lớn Cá Bé Online Một siêu phẩm Đồ Họa dành cho Android, Iphone, Ipad, đem cả Đại Dương về Dế Yêu của Bạn. Chi tiết » |
Bước sang tháng tám, mùa hè chớp mắt đã qua quá nửa.
Thời tiết thành phố C, là kiểu khí hậu nhiệt đới châu Á lục địa điển mình. Bốn mùa rõ ràng, đông thì lạnh cóng, hè nóng nực, cứ tầm tháng bảy tháng tám hàng năm, cả thành phố như cái lò nung, lại thêm ánh nắng chói chang và gió nóng bỏng rát, khiến con người ta cũng trở nên nóng nảy bực bội.
Được cái, làm giáo viên cấp hai như Trác Thanh Y, năm nào cũng có hai tháng nghỉ hè. Ðó cũng là nguyên nhân vì sao ban đầu cô lại chọn cái nghề này, vừa nhẹ nhàng nhàn nhã, lại an toàn, ngày ngày tiếp xúc với bầy trẻ không còn nhỏ nhưng cũng chưa hẳn đã lớn, giúp giữ cho tâm hồn luôn trẻ trung. Với thân phận thiên kim tiểu thư nhà Trác Thị, cô không hứng thú gì với việc kinh doanh buôn bán, thường ngày tiêu dao nhàn tản quen rồi, muốn cô vì sự nghiệp gia tộc, nghiến răng nghiến lợi lột xác thành một nữ cường nhân trên thương trường, ngày ngày sáng 9 giờ đi làm 5 giờ tan sở, nào đọc báo các tài chính dài dằng dặc, họp hành liên miên, rồi gặp gỡ khách hàng, trên môi sẵn sàng nụ cười công nghiệp, lại thêm chuyện tranh giành đấu đá trong công ty, lừa gạt lẫn nhau trên thương trường. ..
Thôi thôi, cô xin kiếu!
Cô tự nhận thấy bản thân không có tài năng, cũng chẳng có cái dã tâm ấy. Gánh nặng phát triển sự nghiệp Trác Thị hùng mạnh, thôi thì cứ để cho Trác Thanh Liên gánh vác vậy, ai bảo anh độc đinh duy nhất của nhà họ Trác cơ chứ?
Từ lúc trường bắt đầu nghỉ hè, nếp sống của cô bị đảo lộn hết cả.
Ban ngày thì trốn trong phòng điều hòa ngủ, tối đến thì lên club nhảy nhót chè chén say sưa, cô bị Trác Thanh Liên gọi là "nữ hoàng tiệc tùng".Tối qua đi dự một bữa tiệc của hội cứng đầu, mãi sáng sớm mới mò về đến nhà, rồi nhanh chóng trèo lên giường.
Tỉnh dậy thì đã ba giờ chiều. Trong phòng vẫn một màn âm u, với tay kéo rèm cửa ra, mới biết hóa ra bên ngoài đang rả rích mưa phùn.
Đúng là "Tạc dạ vũ sơ phong sậu, nồng thụy bất tiêu tàn tửu. Thí vấn quyển liêm nhân, khước đạo hải đường y cựu"[1]
[1] Ðêm qua mưa dập gió vùi, giấc nồng chưa hết rượu tàn.Hỏi thử người buông rèm, mới biết hải đường vẫn như xưa.
Thanh Y ngâm nga vừa hát vừa thay quần áo.Ngủ đủ giấc, lại thêm thời tiết bổng chuyển mát trời, khiến tinh thần cô sảng khoái.Cô hít một hơi sâu, đối diện với hình ảnh chải chuốt đâu ra đấy của mình, làn da trắng trẻo mịn màng, gương mặt xinh xắn ưa nhìn, đôi mắt to đen cùng hàng mi dày.
Cô cuối cùng cũng trở thành một người con gái xinh xắn giống như mẹ mình. Chỉ tiếc là cô có cái cằm tròn, chứ không nhọn, trên má cũng không có lúm đồng tiền.
Đó là bức ảnh mẹ cô lúc còn sống. Thanh Y hồi nhỏ có nằm mơ cũng mơ được trở thành người phụ nữ như bà, vừa xinh đẹp đoan trang, lại dịu dàng nhã nhặn, thậm chí ngay cả khi bà lâm trọng bệnh, trên môi vẫn nguyên nụ cười làm mê hồn người như thế.
Mẹ cô trước nay thể trạng yếu, lại bị bệnh tim nặng. Bố cô đối xử với mẹ rất tốt, luôn hết lòng quan tâm chăm sóc. Cũng hết mực yêu chiều Thanh Y. Hàng ngày trước khi đến công ty đều hôn lên má cô một cái, mua tặng cô không biết bao nhiều là quà. Bố và mẹ chưa bao giờ cãi nhau, từ đầu đến cuối tương kính như tân.[2]
[1] Tôn trọng lẫn nhau như hồi mới cưới.
Khi ấy, Thanh Y cứ tưởng rằng họ là một đôi phu thê ân ái, là đôi vợ chồng thần tiên hạnh phúc như mọi người xung quanh vẫn tán tụng. Còn cô thì như cô công chúa trong truyện cổ tích, mãi mãi không bao giờ u sầu.
Thế nhưng, vào đúng ngày lễ tình nhân năm có mười hai tuổi, Thanh Y trông thấy bố mình cùng một người phụ nữ xa lạ từ một nhà hàng bước ra, tay trong tay, vẻ cực kỳ thân thiết.
Không lâu sau, mẹ qua đời vì bệnh tim. Trong tang lễ, Thanh Y không khóc tiếng nào. Cô bé mới mười hai tuổi đầu mất đi người mẹ yêu quý, nhưng lại không rơi lấy một giọt lệ. Mọi người đến bảo là do cô quá đau thương, nhưng kỳ thực họ không hiểu, trái tim cô đã chết theo rồi.
Thanh Y trưởng thành chỉ sau một đêm, không còn là cô bé vô tư lự của ngày xưa nữa.
Mẹ mất rồi, cô mới biết hóa ra mình trước nay luôn sống trong những lời dối trá và những vở kịch gượng gạo.
Gia đình ông ngoại rất có thế lực ở thành phố C, bố mẹ lấy nhau chẳng qua là sự sắp đặt có mục đích. Bố cô hồi còn trẻ đã từng yêu một người khác, nhưng do áp lực từ phía gia đình, cuối cũng đành dứt tình với tình yêu đầu đó, lấy mẹ cô làm vợ.
Người phụ nữ lạ mặt mà cô trông thấy tối hôm đó, chính là mối tình đầu của bố cô. Hai năm sau ngày mất của mẹ, bố cô đón người phụ nữ kia về nhà, còn bảo Thanh Y gọi bà ta là "dì Kiều".
Lễ cưới của bố cô và dì Kiều, cũng là lần đầu tiên cô gặp Trác Thanh Liên.
Anh vốn không phải họ Trác, vào nhà họ Trác rồi, mới thay tên đổi họ, chính thức trở thành một thành viên trong gia đình, là anh cùng cha khác mẹ của cô. Nhưng cô không ưa anh, không ưa cả bà mẹ nhu mì, xinh đẹp, khéo léo của anh. Bà ta thậm chí còn đẹp hơn cả người mẹ quá cố của cô. Thanh Y còn nhớ như in, câu đầu tiên cô nói với anh là: "Tôi ghét anh, anh căn bản không xứng được mang họ Trác!". Trác Thanh Liên 17 tuổi khi ấy chỉ nhìn cô, rối lạnh lùng bước qua không quay đầu lại.
Anh không giống bất cứ người con trai nào cô từng quen, ánh mắt hờ hững, vẻ cam chịu, trống trải.
Cưới xong, bố cô và dì Kiều cực kì hạnh phúc, trong mắt bố lộ vẻ vui sướng không thể che giấu, những nếp nhăn trên mặt như giãn ra, niềm vui toát ra từ tận đáy lòng, đó mới là hạnh phúc thật sự.
Tất cả những điều ấy đã làm Thanh Y tổn thương sâu sắc.
Cô cảm thấy, bố cô là một kẻ ngụy quân tử đáng sợ, lừa gạt phản bội người mẹ đã yên nghỉ nơi suối vàng của cô, từ đó cô ngày càng oán giận dì Kiều và Trác Thanh Liên, luôn nhìn họ bằng con mắt thù địch.
Một chiều nọ, Thanh Y tham gia diễn tập cũng đội hợp xướng ở trường, về cũng khá muộn. Còn chưa bước vào nhà, qua lớp cửa sắt tinh xảo được chạm rỗng, cô trông thấy bố cô và dì Kiểu.
Nhà cô là một tòa biệt thự biệt lập hai tầng, có vườn rộng. Hai người họ đang ngồi duới gốc cây tử vi, dì Kiều đang khâu áo, tóc mai rủ xuống trước trán, che lấp đôi mắt. Bố cô đưa tay giúp bà vén ra sau vành tai, ân cần dịu dàng, gương mặt ngập tràn hạnh phúc. Dì Kiều cúi đầu mỉm cười, e lệ thẹn thùng, rạng ngời hơn cả sắc xuân phơi phới trong vườn.
Trong khoảnh khắc ấy, Thanh Y không thể kìm chế nỗi uất hận trong lòng thêm một giây phút nào nữa. Cô lao thẳng vào nhà, chạy thình thịch lên gác, một chân đã tung của phòng ngủ của Trác Thanh Liên, giằng lấy cuốn truyện tranh trong tay anh, tức giận ném xuống sàn: "Ai cho anh đụng vào! Đây là cuốn sách của tôi, nhà cũng là của tôi, anh mau cút xéo đi cho khuất mắt tôi!"
Trác Thanh Liên nhìn cô, ánh mắt lạnh lùng xa cách. Anh mím chặt môi, sắc mặt không có gì thay đổi.
Bố và dì Kiều nghe tiếng cô la hét, vội vàng chạy lên trong thấy cảnh tượng ấy, bố giơ tay toan đánh cô, dì Kiều liền đứng ra can ngăn: "Đừng đánh con trẻ, nó còn nhỏ đâu hiểu chuyện!"
Thanh Y gạt tay bà ra, cười lạnh lùng: "Đừng có làm ra vẻ nữa đi! Ai mà không biết, hai người là một đôi gian phu dâm phụ."
Dì Kiều chết trân tại chỗ, mặt xanh tái xám .
"Con đang nói cái gì vậy hả, có im đi ngay không!" Bố giận tím mặt, liền đó là một cú bạt tay nhớ đời.
Thanh Y ôm khuôn mặt đang hằn vết tay, nước mắt tủi thân cứ thế trào ra. Cô gào lên: "Tôi hận các người! Tôi hận cái nhà này!", nói rồi chạy ra khỏi nhà.
Bắt đầu từ hôm đó, cô ngụy trang bản thân thành cô gái hư hỏng khó ưa trong mắt mọi người, tai bấm ba lỗ, mặc thứ quần áo kỳ dị, ngang nhiên trốn học, hẹn hò với vô số bạn khác giới, đêm còn không về ký túc xá.
Mỗi đứa trẻ trong quá trình trưởng thành đều phải trải qua giai đoạn cảm xúc hỗn độn trái nghịch, rồi mới bình an lớn lên được, nói theo sách vở thì đó là tuổi dậy thì.
Tuổi dậy thì của Thanh Y dường như bắt đầu sớm hơn, mới lên lớp bảy đã ngây ngô dại dột, sa ngã phóng túng. Trác Thanh Liên cũng không kém cạnh gì. Nào trốn học ngồi quán, nào hút thuốc uống rượu, thay người yêu như thay áo.
Trác Thanh Liên những năm cấp ba là cậu thiếu niên ngỗ nghịch lầm lì, kiệm lời điển hình, tướng mạo tuấn tú, đường nét khuôn mặt rắn rỏi, tóc húi cực ngắn, sắc mặt u ám, đôi mắt lúc nào cũng sầu muộn, đôi đồng tử màu nâu sẫm, toàn thân toát lên vẻ ngang bướng khó tả. Cậu hứng thú với những trò thể thao vận động, không ham mê sách vở, thành tích học tập lẹt đẹt, cử chỉ ung dung tự do tự tại.
Nữ sinh trong trường theo đuổi cậu rất đông, cậu suốt ngày hẹn hò với họ, nhưng không một ai trong số đó khiến cậu rung động. Họ không thuộc gu của cậu, chẳng ai thuộc gu của cậu cả.
Riêng điểm này thì có phần giống với Thanh Y, mặc dù cô thường xuyên ra ngoài tụ tập bạn bè, nhưng trước sau vẫn trong sáng như ngọc. Không có nam sinh nào bước được vào trái tim cô.
Trác Thanh Liên và Trác Thanh Y, hai người bài xích lẫn nhau, lạnh lùng như nhau, mỗi người một phương lần lượt trở thành những cái tên nổi tiếng của trường cấp ba và cấp hai. Trong ngôi trường cấp hai-3 trọng điểm ấy, những câu chuyện xoay quanh cặp anh em rắc rối này, ai ai cũng biết.
May sao, Thanh Y sau này lại gặp được Phó Viêm.
Anh xuất hiện vào năm cô học lớp 10. Thanh Y lúc đó, đã chán ngấy cảnh tối ngày "tụng kinh", ngày ngày lên lớp đúng giờ, lặng lẽ ngồi trong góc lớp, im lìm không chút sinh khí.
Phó Viêm là học sinh ưu tú của lớp, lanh lợi, nhã nhặn, phục trang quen thuộc là sơ mi trắng, lại càng làm nổi bật vẻ cao ráo sáng sủa. Cô ngồi phía sau anh, thường ngửi thấy hương xà phòng chanh, nhẹ nhàng mà tươi mát, hoàn toàn không giống với cái mùi nồng nồng của mô hôi, khói thuốc và hơi rượu trộn lẫn toát ra từ những "bạn trai" trước đây của cô.
Một Phó Viêm ngoan ngoãn, thành tích xuất sắc, là mầm non "căn chính miêu hồng" [3] "good good study, day day up", lại để mắt tới "học sinh cá biệt" mê chơi hơn ham học Trác Thanh Y.
[3] Từ thường dung trong thời đại Mao Trạch Đông, ý chỉ đứa trẻ xuất thân từ nhà nông, lớn lên trong cảnh khốn khó, không chịu ảnh hưởng của gia đình giai cấp tư sản, hơn nữa lại có tinh thần cầu tiến, biểu hiện mọi mặt đều tốt.
Anh ngày ngày đợi cô tan học, giúp cô học bù bài vở, tối đến lại đưa cô về nhà. Dưới sự lôi kéo và mê hoặc đầy nam tính của anh, Thanh Y quay trở lại hình ảnh một học sinh ngoan có nề nếp. Cuối cùng không phụ sự kỳ vọng của anh, thi đỗ vào một trường đại học trọng điểm của phương Bắc, trở thành bạn học của Phó Viêm.
Sau hôm nhận được giấy báo nhập học, Thanh Y tuyên bố Phó Viêm là bạn trai của mình.
Bố và dì Kiều đều vui mừng khôn xiết. Đứa con ngỗ nghịch ngày nào giờ đã trưởng thành, hai người họ cuối cùng cũng trút được nỗi day dứt và lo lắng suốt bao năm qua.
Trác Thanh Liên khi đó đang ở bên kia đại dương chỉ bình luận một câu: "Cô bé đã hết thuốc chữa như em, lại có được một chàng trai yêu thương, sẵn sàng hy sinh cho mình như thế, thượng đế thật không công bằng."
Thanh Y oang oang trong điện thoại: "Thác Thanh Liên dù anh có nói thế nào, chúng ta vẫn có một nửa quan hệ huyết thống, anh sao có thể nói giúp người ngoài như thế chứ?"
Đầu bên kia cúp máy, âm thanh cuối cùng vọng lại là một tràng cười sảng khoái. Cô và Trác Thanh Liên, cuối cùng đã có thể bình thản mà tiếp nhận đối phương, thành huynh thành muội.
Những thù hằn đã qua, những bồng bột và thiếu suy nghĩ của thời trẻ con, đã cùng với tuổi dậy thù hung hăng càn quấy, tan biến như khói mây.
Năm lớp 12, Trác Thanh Liên không tham gia thi đại học, mà được bố đưa sang Mỹ học trung học.
Bố sợ anh ở đây rồi sa ngã, muốn đưa anh sang một môi trường mới, thay da đổi thịt. Trác Thanh Liên một thân một mình dấn bước trên con đường nơi đất khách quê người, bóng dáng quật cường nhưng đơn độc.
Tám năm sau, lúc anh trở về, mắt đeo kính, dáng vẻ học thức ngời ngời. Ðúng như những gì bố trông mong, anh thay đổi rồi, từ đầu đến chân đã hoàn toàn lột xác, lạ lẫm như vừa được tái sinh.
Thanh Y bước xuống lầu, trong phòng khách, bố và dì Kiều đang ngồi đối điện, câu được câu chăng, chuyện phiếm với nhau.
Từ sau khi Trác Thanh Liên trở về, bố sẵn sàng tâm thái chuẩn bị về hưu, mọi việc lớn nhỏ trong công ty đều giao cho anh lo liệu.
"Bố, dì Kiều, chào buổi sáng!", cô mỉm cười cất tiếng chào.
"Con xem xem mấy giờ rồi, vẫn sớm quá nhỉ?", ánh mắt trách móc của bố lướt một vòng quanh cô con gái, "Trang điểm cầu kỳ thế này, lại định ra ngoài đàn đúm với lũ bạn đầu trâu mặt ngựa hay sao?"
Dì Kiều đưa mắt ra hiệu với chồng, mềm mỏng: "Y Y, cơm sáng và cả cơm trưa con đều chưa ăn, nhất định là đói rồi.Trong bếp dì vẫn để phần cơm, để dì đi hâm lại". Nói rồi, dì toan dợm chân đứng dậy.
Bố liền đưa tay ngăn lại: "Chẳng phải đã có thím Trương rồi sao? Những việc thế này đâu cần em phải động tay vào?"
"Thím Trương hôm nay xin nghỉ nửa ngày, cháu thím ấy bị ốm". Nói rồi dì Kiều gạt tay chồng ra, bước vào bếp.
Thời buổi này, làm mẹ kế đâu có đễ, người giúp việc cũng khó mướn.
Bố quay qua trách Thanh Y "Lớn bằng ngần ấy rồi, vẫn còn phải phục vụ hay sao?"
Thanh Y làm mặt xấu, lè lưỡi trêu lại: "Con biết rồi, bố xót vợ bố chứ gì. Nhưng con là con gái bố cơ mà!"
"Con nhỏ này, bụng dạ hẹp hòi đến thế là cùng!". Bố lắc đâu cười, "Chả có tí dáng dấp cô giáo nào cả? Hay con thôi đừng làm giáo viên nữa, tranh thủ thời gian đến công ty học hỏi đỡ đần bố đi".
"Công ty có anh là đủ rồi, con đến đó thì làm được gì? Làm bình hoa di động à?", Thanh Y bĩu môi ngồi phịch xuống sofa. Cô ghét nhất là đề cập đến chủ đề này. Sao bố mãi vẫn không bỏ cái ý định đó đi nhỉ?
"Bố già rồi, sớm muộn cũng phải lui về nghỉ. Trác Thị trăm công nghìn việc như thế, bố lo anh con một mình đảm đương thì vất vả quá". Bố chậm rãi phân trần, chân mày chốc chốc lại nhíu lại, vẻ lo âu.
"Bố yên tâm, anh con đã không còn là A Đẩu, bùn nhão không gột nên hồ của ngày xưa nữa rồi". Thanh Y an ủi bố, "Thậm chí gánh nặng ấy có cả nghìn cân, cũng không làm khó anh ấy được đầu. Vả lại, công ty còn có cả Phó Viêm đấy thôi!"
Nhắc đến Phó Viêm, chân mày bố có giãn ra đôi chút, ân cần hỏi han: "Con với Phó Viêm dự định bao giờ thì tính chuyện cưới xin?"
Sao đang yên đang lành lại nhắc tới chuyện kết hôn? Thanh Y giãy nãy như đỉa phải vôi, nũng nịu: "Con gái bố mới tốt nghiệp được có 2 năm, chưa muốn lấy chồng sớm thế đâu".
"Phó Viêm là một chàng trai tốt, vừa chín chắn, thật thà, lại có tài, chỉ có điều tuổi còn trẻ, từng trải chưa nhiều. Chuyện của hai đứa sớm mà định liệu, địa vị của nó trong Trác Thị cũng được danh chính ngôn thuận, có thể trở thành cánh tay phải của Thanh Liên".
Nói đi nói lại, cuối cùng vẫn quay về Trác Thị! Thanh Y có chút giận dỗi: "Nếu bố nhiều thời gian rảnh rỗi như thế, bố đi mà lo cho anh con ấy! Anh còn chưa lấy vợ, sao đã vội giục con đi lấy chồng chứ?"
Đúng lúc này, dì Kiều từ trong bếp gọi với ra: "Y Y!"
Cô mượn cớ thoát thân, nhanh chóng chuồn vào trong bếp.
"Canh dì hâm nóng rồi, thức ăn cũng đảo lại rồi, con ăn tạm vậy nhé", dì Kiều cởi tạp dề, dịu dàng căn dặn.
Người phụ nữ này thay mẹ chăm cô đã mười năm nay rồi, dịu dàng chu đáo, cẩn thận từng li từng tí một, chỉ lo sai sót chỗ nào. Còn cô đến nay vẫn chưa gọi dì một tiếng "mẹ" .
Nỗi day dứt cứ thế dâng lên trong lòng, Thanh Y bất giác tiến lại gần dì, cảm nhận được mùi hương nồng nàn toát ra, cô khịt khịt mũi: "Dì Kiều, dì dùng nước hoa gì vậy? Mùi hương quen lắm!"
"Là nước hoa hương hoa chi tử, là anh trai con lần trước đi công tác về mua tặng dì." Dì Kiều bưng thức ăn vừa được hâm nóng từ lò vi sóng đặt lên bàn ăn.
Thanh Y ngồi xuống bên bàn ăn, ngẩng đầu nhìn dì: "Hình như anh con đặc biệt yêu thích hoa chi tử"
Anh con hồi nhỏ mập mạp, bụ bẫm lắm, da dẻ lại trắng trẻo nữa, so về dáng vẻ, ối cô gái còn thua xa, nhưng cứ đến mùa hè, lại bị dị ứng ngoài da, thường dùng tay gãi chỗ này cào chỗ kia, gãi đến đỏ hết cả người lên, mà vẫn luôn miệng kêu ngứa. Bác sỹ bảo bị nóng trong người, phải uống thuốc nam thanh phối mát gan. Đứa trẻ con mới có hai ba tuổi đầu, nhìn thấy bát thuốc nam vừa đắng lại vừa khó ngửi liền lắc đầu quầy quậy, đời nào chịu uống? Sau này, là bà ngoại của anh con tìm một cái lu đất, hái những bông hoa chi từ đang nở rộ, thêm mấy loại cây cỏ dại, cộng với một chút kim ngân hoa, cùng hoa và lá sen đun lên, hòa vào chung với nước tắm, lại rắc thêm mấy bông chi tử tươi, cứ thế cho anh con tắm. Mà kể cũng lạ anh con tắm một tháng nước hoa chi tử xong, dị ứng da liền khỏi hết, không còn gãi, mà cũng hết luôn cả ngứa. Từ đó, anh con trở nên yêu thích loài hoa chi tử, mùa hè phải dùng chi tử ngâm mình".
"Thế bảo sao một người đàn ông lại có được nước da đẹp như thế, mong manh dễ vỡ như thế, hóa ra là có bí quyết dân gian"
Người nói là dì Kiều thì vô tâm, người nghe lại cảm thấy thật sống động, trước mắt như hiện ra một cảnh tượng tuyệt mỹ khiến con người ta thèm thuồng - một mỹ nam bước ra từ bồn tắm, hơi nước nghi ngút, hương thơm lan tỏa bốn phía, gợi cảm đến mê lòng người...
STOP, anh ta là anh trai nhà ngươi, có ham trai đẹp đến đâu cũng phải chọn đối tượng chứ! Cô can ngăn bản thân trong suy nghĩ, yên lặng cúi đầu cắm cúi ăn cơm.
Dì Kiều vẫn chưa dời ra, ngồi bên bàn ăn ngắm nhìn cô, lưỡng lự hồi lâu, mới chậm rãi mở lời: "Y Y, gần đây bố con già đi nhiều rồi, không biết con có nhận ra không?"
Thanh Y thờ ơ quay đầu ra, ngó bố đang ngồi uống trà ngoài phòng khách một cái. Thường ngày cô không chú ý, giờ chú ý quan sát, khuôn mặt khí khái hào hùng khi xưa đã xuống sắc, già đi từ khi nào không biết, nếp nhăn chạy dọc chạy ngang, tóc mai cũng đã bạc thêm không ít.
Dì Kiều hạ thấp giọng hết mức: "Có một chuyện, dì nghĩ nhất thiết phải nói cho con biết. Bố con bị tiểu đường rất nặng".
Thanh Y thoáng nghẹt thở, trợn mắt nhìn dì: "Chuyện này xảy ra từ bao giờ? Sao con không biết?"
"Khoảng nửa tháng trước, bố con thấy không khỏe, đêm đến cứ trằn trọc, miệng khô lưỡi rát, lại sút cân không rõ lý do. Dì liền đưa ông đi bệnh viện kiểm tra, bác sỹ nói lượng đường trong máu của ông rất cao".
Thanh Y bỗng thấy cơm trong bát sao mà khó nuốt quá, bèn lấy muôi múc canh uống.
"Y Y", dì Kiều đặt tay lên vai cô, lần đầu tiên dì nói với có bằng giọng điệu trang trọng nghiêm túc như thế, "Bố con già thật rồi, dù là việc gia đình hay trong công ty, ít nhiều cũng có những chuyện lực bất tòng tâm. Điều ông muốn thấy nhất, là con và anh con sớm thành gia lập thất, ổn định cuộc sống. Đừng để ông phải lo lắng thêm nữa. Con là đứa con thông minh, nhất định sẽ hiểu ý của dì."
Thanh Y ngước mắt lên, trông rõ ánh mắt lấp lánh hy vọng và những khẩn cầu của người đối diện. Người phụ nữ này, thật sự hết lòng yêu thương bố cô, bất chấp ánh mắt cười chê của người đời, một mình nuôi dạy Trác Thanh Liên lớn khôn, lấy bố cô rồi lại tiếp tục ngậm đắng nuốt cay, chăm chút cho cô, cô con gái không có chút quan hệ máu mủ nào, từng li từng tí.
Sự nhẫn nhịn và ý chí vững vàng của dì Kiều đối với tình yêu thật sự khiến Thanh Y cảm động. Vậy mà, cũng chính điều này đã từng khiến cô bé Thanh Y năm xưa cảm thấy tổn thương ghê gớm.
Thanh Y cũng yêu bố, thế nên, không thể tiếp tục sống theo ý mình, ham chơi, trốn tránh trách nhiệm được nữa.
Cô cúi đầu, mặt ửng đỏ: "Con không phải là không muốn lấy Phó Viêm, chỉ là, con không muốn rời xa gia đình mình..."
"Ngốc ạ". Dì Kiều nắm chặt tay cô trong lòng bàn tay mình, khẽ thở dài. Thanh Y tuy có chút tính cách tiểu thư, thoáng trông tưởng như ngang ngược, hống hách, thiếu lẽ độ, những kỳ thực lại có một tâm hồn trong sáng, trong sáng cởi mở như con trẻ, không mưu mô tính toán.
Bao nhiêu năm nay, bà từ lâu trong tận đáy lòng đã yêu thương cô con gái này.
Đối diện với những giọt nước mắt của dì Kiều và tình thân, Thanh Y cuối cùng cũng buông vũ khí đầu hàng, đồng ý lấy Phó Viêm.
Hôn lễ dự định cử hành vào ngày mùng 8 tháng sau.
Hai người đã đính hôn từ năm ngoái, hôn sự mặc dù quyết định có hơi đường đột, nhưng nhà cửa đều đã sẵn sang, Phó Viêm lại là người làm việc có phương pháp, từ việc đặt chỗ khách sạn, may comple váy cưới lần lượt đều được chu toàn. Thanh Y chẳng phải động tay vào việc gì, thoải mái tận hưởng những ngày tháng độc thân cuối cùng.
Tối hôm đó, Thanh Y cùng một tốp bạn gái từ bar bước ra, bấy giờ đã là hơn một giờ đêm. Cô trở về trong chuếnh choáng men say, thấy Phó Viêm vẫn đang ngồi đợi trong phòng khách.
"Phó Viêm.." Cô có chút hổ thẹn, khúm núm sợ sệt, cúi đầu, vẻ ăn năn như đứa trẻ phạm lỗi.
Phó Viêm bước đến trước mặt cô khẽ nói: "Thanh Y, em hãy nói thật cho anh biết, có phải em đang sợ kết hôn với anh?"
"Ai bảo thế?" Thanh Y ngẩng đầu lên, đúng lúc bắt gặp ánh mắt của Phó Viêm đang nhìn mình, sáng long lanh. Đối diện với ánh mắt chứa chan tình cảm chân thành như vậy, cô không đủ dũng khí nói dối, phải khó khăn lắm mới mở được miệng "Anh có dám chắc sẽ yêu em suốt đời, mãi mãi không bao giờ thay lòng đổi dạ không?"
"Ngốc ạ!"Phó Viêm hiểu rõ những khúc mắc trong lòng cô, một đứa trẻ lớn lên từ vết thương tình cảm người cha, ít nhiều cũng có chút mất lòng tin vào hôn nhân. Anh ôm cô vào lòng: "Y Y, em có biết ban đầu vì sao anh yêu em không?"
Thanh Y lắc đầu.
"Các bạn nữ khác trong lớp ai cũng hoạt bát, ríu ra ríu rít, duy chỉ có em sắc mặt nhợt nhạt, ánh mắt đờ đẫn, thất thần, đôi mắt trống rỗng, không phương hướng, như đứa trẻ bị lạc đường vậy. Dáng vẻ yếu đuối đó của em, khiến tim anh đau nhói". Giọng nói trầm trầm ấm áp, từ phía đỉnh đầu cô truyền xuống, "Anh bỗng thấy, mình như được thượng đế phái xuống để cứu giúp em, dắt em ra con đường sáng, là vị thần hộ mệnh suốt đời ở bên bảo vệ, che chở cho em"
Thanh Y cười khì khì, đẩy anh ra: "Có vị thần hộ mệnh nào mà vừa xấu xí lại ngốc nghếch như anh không?"
"Tốt, em cứ giữ nụ cười như thế, thư giãn khuôn mặt, để mắt cong hình trăng lưỡi liềm như thế, làm cô dâu xinh đẹp, hạnh phúc của Phó Viêm này".
Thanh Y mắt chớp chớp, nhìn anh bằng đôi mắt ngấn lệ: "Phó Viêm, đời này gặp được anh, đối với em là niềm hạnh phúc lớn nhất rồi!".
Anh trai cô nói đúng, đời này kiếp này, có được tình yêu ấm áp, sẵn sàng hy sinh như thế của một chàng trai, số mệnh thật đã ưu ái cô quá nhiều rồi.
Không phải ai cũng có được cái may mắn ấy.
Ở xa xa, Trác Thanh Liên đang tựa vào lan can hoa tầng hai, trong tay là ly rượu, trong lòng có chút đố kỵ.
Thanh Y đã tìm thấy vị thần hộ mệnh của cuộc đời nó rồi, còn ngươi thì sao?
"Trác Thanh Liên, hy vọng ngươi cũng sẽ gặp may. Good luck!", anh tự nâng ly chúc chính mình.
Nói rồi, ngửa cổ, uống một hơi cạn hết rượu vang trong ly.
Tháng Chín, có bão đổ bộ, thời tiết mát mẻ được mấy hôm, rồi bỗng lại chuyển nóng.
Tịch Nhan quay trở lại ngôi trường sau hai tháng xa cách, phát hiện lũ trò nhỏ lớn hơn rất nhiều. Có một vài nam sinh, quanh mép đã bắt đầu lún phún râu ria, tiếng nói cũng trở nên ồm ồm khó nghe.
Tuổi dậy thì như mầm cây chờ ngày đâm chồi, rục rịch manh nha, rồi bung ra lúc nào không biết, nở thành đóa hoa đẹp đẽ ngát hương.
Tan lớp, tiếng nói cười của bầy trẻ vẫn huyên náo như xưa. Bước tới trước tòa nhà giáo vụ. Tịch Nhan dừng bước, tiền tay bẻ một cành chi tử ven đường, mùa hoa đã qua từ lâu những chùm hoa trắng tinh dầy dặn, ngát hương đều biến mất, chỉ còn lại cành lá xanh um.
Lá chi tử, bốn mùa quanh năm xanh biếc, phiến lá dày đến mức gió thổi qua cũng không có tiếng rì rào.Lúc còn nhỏ, ông nội từng nói với cô, hoa chi tử có tác dụng thanh nhiệt mát gan, quả, lá, rễ cây mỗi loại đều có những công dụng riêng. Ở quê không có điều hòa, quạt điện, tháng Sáu, tháng Bảy hàng năm, hoa chi tử nở rộ, ông nội lại bẻ một nhánh chi tử, ngâm vào trong nước, dùng để giải nhiệt tạm thời.
Tịch Nhan mân mê lá chi tử trong tay, ngẩng đầu nhìn bầu trời đầy mây trắng, thời tiết vẫn thế, như thiêu đốt con người ta. Và cô cũng chẳng thể làm gì khác ngoài ngồi trong cái nóng nung người thế này, yên tĩnh chờ đợi mùa hoa năm sau lại tới.
Không khí trong phòng giáo vụ rất kỳ lạ, các cô đang túm năm tụm ba, không biết đang thì thầm bàn tán chuyện gì.
Tịch Nhan bước đến trước bàn, trông thấy cánh thiếp mời đỏ rực, đường nét in ấn hết sức tinh xảo.
Mấy năm nay, năm nào cũng nhận được bom thư mời cưới của bạn bè đồng nghiệp, dường như cũng đang nhắc nhở cô - đằng ấy cũng nên tính chuyện trăm năm đi là vừa.
Tịch Nhan mở ra xem, trước tiên là xem tên cô dâu, chú rể: Trác Thanh Y, Phó Viêm. Tiếp đến là địa điểm tổ chức tiệc cưới - Hội trường tầng ba cao ốc Liên Y.
Dù cô có quê mùa kém hiểu biết đến đầu, cũng thừa biết cao ốc Liên Y là nhà khách thương vụ của tập đoàn Trác Thị. Nếu có đi dự tiệc, chắc chắn không thể tránh khỏi đụng độ Trác Thanh Liên... còn đang lẩm nhẩm tính toán, bỗng một bóng người xuất hiện phía trước bàn làm việc, cắt ngang mạch suy nghĩ của cô.
Ngẩng đầu lên, bắt gặp ngay một khuôn mặt thanh tú, đáng yêu. Đúng là chuyện vui tới làm con người ta phấn chấn hẳn lên, Trác đại tiểu thư khuôn mặt rạng rỡ, miệng cười tươi như hoa.
"Cô giáo Đỗ, chị nhất định đến tham dự nhé?". Rõ ràng là câu hỏi, vậy mà ngữ khí khẳng định chắc nịch.
"Tôi sợ không đi được, ngày mùng 8 hôm ấy tôi...", Tịch Nhan lắp ba lắp bắp, định bịa ra một lý do nào đó.
Đối phương không chờ cho cô nói hết câu: "Đúng rồi, tôi có chuyện này muốn nhờ cô giáo Đỗ".
Tịch Nhan chăm chú nhìn cô, trong lòng mơ hồ dấy lên một dự cảm không được tốt cho lắm.
"Nhờ chị hôm đó, làm phù dâu giúp tôi nhé?"
Tịch Nhan kinh ngạc thốt lên: "Tại sao lại là tôi?"
Hai người cũng không lấy gì làm thân thiết, chỉ là mối quan hệ đồng nghiệp thông thường gặp nhau chỉ mỉm cười chào một cái gọi là lịch sự.Không phải là bạn cùng lớn lên từ thuở nhỏ, cũng chẳng phải mối thâm tình vào sinh ra tử sống chết hoạn nạn có nhau.
"À, chuyện là thế này".Thanh Y đã tiện liệu kĩ càng, bài vở thế nào Trác Thanh Liên đã dạy cô thuộc lòng từ lâu rồi, "Nhà tôi làm kinh doanh, lắm lúc toàn cầu kỳ những cái không đâu. Không chỉ chọn ngày hoàng đạo tốt lành để tổ chức, mà đến chọn phù dâu phù rể, cũng đòi phải bất tự tương hợp, ngũ hành tương sinh. Thầy bói nói rằng, trong tên của tôi có "thủy", trong tên của chồng tôi có "hỏa". thủy khắc hỏa, mà theo âm dương ngũ hành thì thổ sinh mộc, mộc sinh hỏa, hỏa sinh thủy, cho nên nhất định phải mời được một người mà trong tên có cả "mộc" lẫn "thổ" làm phù dâu, có thể cuộc sống hôn nhân sau này mới hạnh phúc, vợ chồng sống với nhau đến đầu bạc răng long. Tôi nghĩ đi nghĩ lại, nát cả óc ra, trong những người tôi quen, chỉ có chị là trong tên có "mộc" lại vừa có "thổ"."
Lý do đưa ra có phần gượng gạo, Tịch Nhan đương nhiên là không tin, nhưng cũng không tiện nói thẳng, dù gì cũng là chuyện hạnh phúc trăm năm của con người ta.
"Cô giáo Đỗ, vậy cứ quyết định thế nhé. Đến lúc đó chị nhất định phải trang điểm thật xinh đẹp, đến tham dự lễ cưới của tôi đấy".Tịch Nhan còn chưa kịp phản ứng gì, Trác Thanh Y đã nhanh chóng chuồn ra rõ xa, cứ như thể sợ cô kiếm cớ từ chối vậy.
Tịch Nhan ngẩn ngơ trong theo bóng Thanh Y, trực giác mách bảo cô rằng đây chính là cái vòng luẩn quẩn, anh em họ Trác cùng nhau lập nên cái vòng tròn này, còn cô đến chút sức lực phản kháng để thoát ra cũng không có.
Hay nói cách khác, căn bản là cô cũng không muốn thoát ra?
Thấy Trác Thanh Y ra ngoài, các cô giáo khác liền vây quanh Tịch Nhan: "Cô định mừng bao nhiêu?"
Cô giả đò như chưa biết chuyện gì xảy ra, vờ hỏi lại: "Bao nhiêu cái gì?"
"Thì tiền mừng đó!". Cô giáo Trần lấy làm khó hiểu tại vì sao một Tịch Nhan trước nay thông minh, nhanh nhạy là thế, sao đột nhiên lại hóa ra ngờ nghệch thế này, "Đi ăn tiệc uống rượu mừng nhà người ta, không thể không có tiền mừng. Mà nhà họ giàu có kếch xù như thế, mừng ít thì người ta cười cho, còn mừng nhiều, thì lại xót ruột".
"Tùy thôi, mọi người mừng thế nào thì tôi theo thế ấy". Điều cô đang băn khoăn bây giờ, là đến lúc ấy biết mặc gì để đi dự tiệc.
Lần đầu làm phù dâu, cô một chút kinh nghiệm cũng chưa có, đành gọi Tống Anh tới tham mưu.
"Cậu xem xem mình nên mặc quần áo thế nào? Kiểu đầu gì cho hợp? Da mình dạo này chán đời quá, có khi phải đi đắp mặt nạ..."
"Đỗ Tịch Nhan, rốt cuộc cậu đang định làm cái trò gì hả?".Tống Anh bị cô tuôn cho một tràng chán ngán, "Cậu đi làm phù dâu, chứ đâu phải cô dâu, việc gì phải căng thẳng đến mức như thế?"
Tịch Nhan chột dạ, đỏ mặt.
Tống Anh nhìn ra chút manh mối, kỳ lạ hỏi: "Cậu trước nay không thích xuất đầu lộ diện trước đám đông, cũng rất ít quan tâm đến việc ăn mặc trang điểm, trong đây nhất định có uẩn khúc gì... Mau, khai thật ra mau!"
"Chẳng phải mình đã nói rồi đấy sao, mình đến tuổi này rồi, đi dự tiệc cưới, thực chất chính là một buổi đi gặp mặt còn gì. Lần này nhà họ Trác gả con gái, cậu thử nghĩ mà xem, liệu có biết bao nam thanh nữ tú, bao nhiêu hoàng tử độc thân sẽ xuất hiện hả?"
Một cô gái thông minh như Tịch Nhan, sao có thể để cho người khác nắm thóp mình được?
Tống Anh không quả nhiên tin liền, không nén nổi tiếng thở dài: "Nhà họ Trác kia sao gửi thiệp mời cho mình nhỉ?". Nói rồi, luôn chân luôn tay giúp Tịch Nhan "sửa sang", nào là sắm đồ, chọn giầy, lại cả làm tóc, cuối cùng mới gật đầu mãn nguyện: "Ok, ngon lành rồi, với dáng vẻ này của cậu mà đi dự tiệc, nhất định sẽ ối anh lác mắt cho coi!"
Đêm trước ngày diễn ra hôn lễ, Tích Nhan trốn trong nhà xem ti vi. Điện thoại bỗng đổ chuông, mới hai hồi chuông, Triều Nhan đã nhanh tay nhấc máy. Cô ăn vận cầu kỳ lộng lẫy, chuẩn bị ra ngoài, đang sốt ruột đợi điện thoại của đối phương.
"Tịch Nhan", cô cao giọng gọi to, vẻ mất hết kiên nhẫn, "Điện thoại của em này! Mau lên!"
Tịch Nhan đón lấy ống nghe, là tiếng Trác Thanh Y: "Ngày mai, chị nhất định sẽ tới chứ?"
Cô nàng này sao phải hỏi lại lần nữa thế nhỉ? Rốt cuộc là cô muốn Tịch Nhan đến, hay là anh ta...
Tịch Nhan yên lặng hồi lâu, mãi không lên tiếng.
"Đỗ Tịch Nhan, em nhanh nhanh lên chút có được không? Chị đang đợi điện thoại mà!". Di động hết pin, điện thoại lại bị Tịch Nhan chiếm dụng. Triều Nhan sốt ruột đến phát cáu cả lên, giọng nói có chút gay gắt đủ để Trác Thanh Y ở đầu dây bên kia nghe thấy.
"Làm phiền chị thế này thật ngại quá, em chỉ muốn xác nhận lại một chút.."
Tịch Nhan hít một hơi sâu: "Cô giáo Trác đừng lo, tôi nhất định sẽ tới dự."
"Thế thì tốt quá! Vậy hẹn mai gặp!".Thanh Y vội vội vàng vàng gác máy, dáng điệu vừa mừng rỡ vừa hấp tấp.
Đặt ống nghe xuống, quay ra thấy Triều Nhan đang chăm chăm nhìn cô bằng ánh mắt ngờ vực: "Cô giáo Trác này có phải là Trác Thanh Y?"
"Vâng".Tịch Nhan bình thản trả lời, "Ngày mai cô ấy cưới, muốn mời em làm phù dâu".
"Thảo nào thấy em mấy ngày nay bận rộn đi mua nào quần áo, giầy dép, lại cả làm tóc nữ". Triều Nhan như vừa ngộ ra điều gì, "Hóa ra, cô em ngốc nghếch của tôi cũng khôn ra rồi, định thả mồi câu con cá vàng trong tiệc cưới nhà họ Trác..."
Tịch Nhan ngắt lời: "Chả ai là ngốc suốt đời cả".
Triều Nhan lập tức trừng mắt sừng sộ: "Đỗ Tịch Nhan, em nói thế là có ý gì?"
"Chả có ý gì cả". Tịch Nhan vẫn nguyên cái vẻ thờ ơ thường ngày, điềm nhiên như không có chuyện gì xảy ra, quay sang xem ti vi.
Triều Nhan thì vẫn đứng nguyên chỗ cũ, nhìn vẻ mặt hờ hững lãnh đạm của Tịch Nhan, trong lòng giận sôi sùng sục, lật lại chuyện cũ, từ hồi còn nhỏ, hai chị em đã chẳng thân thiết, quan tâm mấy đến nhau. Nhưng cô lại là người đầu tiên biết những tâm sự thầm kín của Tịch Nhan. Hai chị em ở chung một phòng, cô từng lén xem trộm nhật ký của Tịch Nhan, rồi mách lại với mẹ, tố em gái yêu sớm. Còn nhớ lúc đó mẹ nổi giận lôi đình, xé tan cuốn nhật ký của Tịch Nhan, còn bồi thêm cho cô em gái cái bạt tai. Tịch Nhan trong cơn giận dỗi, bỏ nhà ra đi, về quê ở với ông cả nửa tháng, bố về đón mới chịu lên.
Suốt một thời gian dài sau đó, Tịch Nhan không thèm nói chuyện với cô. Đặc biệt sau khi cô và Tô Hàng công khai yêu nhau, mặc dù sống chung dưới cùng một mái nhà, hai người lạnh nhạt chả khác gì người dưng, quanh năm suốt tháng gần như chẳng khi nào chạm mặt.
Tốt nghiệp đại học xong, Tịch Nhan rời khỏi nhà, chuyển đến ờ trong ký túc xá của trường. Hai tháng trước, vì nhường phòng cho học sinh ở, mới lại dọn trở về nhà.
Mấy năm nay, Tịch Nhan chưa bao giờ hỏi cô về chuyện của Tô Hàng, cô cũng chẳng nhắc tới, hai chị em như ngầm thỏa thuận đem cái tên ấy "đào sâu chôn chặt". Nhưng trong lòng Triều Nhan trước sau vẫn day dứt -Tịch Nhan liệu có còn oán hận cô hay không?
Là chị, cô hiểu quá rõ tính tình của Tịch Nhan, mặc dù không nói ra nhưng cô rất bướng bỉnh. Một khi đã nhận định thế nào, thì suốt đời cũng không thay đổi.
Rất nhiều lần, đối diện với gương mặt bình thản đến lạnh lùng ấy, cô suýt chút thì lên tiếng phá tan bầu không khí im lặng, chỉ giận không thể xông lên, túm lấy tai Tịch Nhan mà hét to lên rằng: "Đỗ Tịch Nhan, chị không nợ nần gì em hết! Tình yêu thì không thể kiểm soát được, em hiểu không? Người mà Tô Hàng yêu là chị! Anh ta không yêu em chút nào cả! Em thất tình, đáng đời em, tất cả những điều đó chả liên quan gì đến chị cả!!!"
Điện thoại một lần nữa vang lên, cắt ngang dòng suy nghĩ của Triều Nhan.
Cô vội vàng nhấc máy, Lệ Mạn Lợi mào đầu ngay câu xin lỗi: "Hôm nay buổi tiệc rượu chiêu đãi với Trác Thị bị hủy rồi, do Trác Thanh Liên không tham dự, anh ta bảo còn phải lo chuẩn bị cho lễ cưới của em gái. Triều Nhan à, hay là để lần sau đi, vẫn còn nhiều dịp mà..."
Triều Nhan không đợi nghe nốt câu, bèn tức tối cụp máy. Bà Đỗ từ trong phòng lật đật chạy ra, vội vàng hỏi: "Có chuyện gì thế? Ai mà dám chọc giận đại tiểu thư nhà chúng ta vậy?
Cô chả còn lòng dạ nào mà đáp lời "Chả có gì lạ cả, sao mẹ cứ lắm chuyện thế nhỉ?" nói rồi quay đầu bỏ vào phòng, đóng cửa cái "rầm" một tiếng.
Bà Đỗ chả hiểu đầu cua tai nheo thế nào, quay qua hỏi Tịch Nhan: "Chị con làm sao vậy?"
"Con nãy giờ mãi xem ti vi, sao mà biết được?", Tịch Nhan rời mắt khỏi màn hình ti vi, khẽ lướt qua cánh cửa phòng vừa bị Triều Nhan khóa trái. Xem chừng, tối nay có người phải ngủ phòng khách rồi đây.
Ngày 8 tháng 9, ngày lành tháng tốt. Trên lịch vạn niên có ghi rõ, nên tổ chức cưới hỏi.
Tiệc cưới của Trác Thanh Y bắt đầu lúc 12 giờ. Mười một giờ, Tịch Nhan ra khỏi nhà. Mẹ cũng không quên dặn với theo một câu: "Đừng chỉ có biết cắm mặt vào ăn, mở to mắt ra một chút, nhìn xem xung quanh có ai phù hợp không".
Định đem tiệc cưới của người ta hóa buổi gặp mặt tập thể thật hay sao. Tịch Nhan cười thầm trong bụng, cả bàn mỗi người một vẻ, nam không quen nữ chẳng thân, giữa lúc tiệc tùng linh đình như thế, có thể nhen nhúm được ngọn lửa tình ái nào sao? Bảo cô làm sao mà tin được. Như cô với Tô Hàng, ngồi cùng bàn cả hai năm trời, quen nhau tận chín năm, yêu nhau một năm, cuối cùng vẫn chẳng phải đường ai nấy đi đó sao?
Lúc đứng dưới nhà đợi xe buýt, bỗng có tiếng hát vang lên từ cửa hàng loa gần đó:
"Anh vẫn luôn đứng phía sau chờ đợi em,
Chờ đợi một ngày em quay lại nhìn anh
Nụ cười của anh là dành cho em, mong em hạnh phúc
Nỗi buồn của em trao cả cho anh
Tất cả những gì thuộc về em, anh đều lưu giữ
Đến một ngày em cảm nhận được anh
Dù rằng anh trong thế giới của em
Chỉ nhỏ nhoi như là cát bụi
Anh cũng nguyện dành cho em tất cả
..."
Ca từ ấm áp mà bi thương, như mũi tên xé gió lao tới, xuyên thấu trái tim cô.
Mười bốn tuổi, Tịch Nhan bắt đầu yêu Tô Hàng, từ đó cái tên ấy khắc sâu vào cuộc sống của cô.
Nhớ lại ngày hôm ấy, thời tiết cũng nóng nực như thế này. Cây lá xum xuê rợp mát, tiếng ve ra rả như không biết mệt mỏi, từng hồi từng hồi vọng vào tai. Sân trường sau giờ tan lớp, vắng lặng như tờ. Tịch Nhan lại thi trượt rồi, toán, văn, ngoại ngữ cả ba môn đều không qua. Cô không dám về nhà, một mình trốn vào rừng cây, co mình lại, đầu gục lên gối, nước mắt cứ thế tuôn rơi, ướt cả một khoảng váy.
Bỗng trước mắt xuất hiện một tấm khăn tay, và một bàn tay của con trai. Tịch Nhan ngước lên nhìn qua màn nước mắt nhòe nhoẹt, thấy Tô Hàng đang đứng trước mặt, chắn nốt những tia nắng le lói cuối cùng. Đôi đồng tử đen mà sâu ấy ngập đầy nỗi thương hại, và còn một thứ gì đó khác nữa.
Cô không đón lấy tấm khăn, quay mặt đi, bướng bỉnh: "Tô Hàng, cậu đến để cười nhạo tớ phải không?"
Tô Hàng không nói gì, bước tới trước một bước, dùng khăn lau sạch những giọt nước mắt còn vương trên má cô. Động tác tuy vụng về nhưng không thô lỗ, dịu dàng như cơn gió mùa xuân.
Những giọt nước mắt kìm nén bấy lâu trong Tịch Nhan nhân thể thi nhau thánh thót rơi, cô bỗng lao vào lòng anh, áp mặt vào áo anh, thổn thức: "Rốt cuộc tớ đã làm gì sai? Sao mọi người lại đối xử với tớ như thế? Ức hiếp tớ như thế?"
Khoảnh khắc đó, bao nhiêu lạnh lùng và cứng cỏi trong cô đều sụp đổ. Như người chết đuối vớ được cọc, cô níu chặt lấy áo sơ mi trắng của Tô Hàng, nước mắt giọt ngắn giọt dài nối đuôi nhau tuôn như suối, khóc không còn biết trời đất gì nữa, khóc như muốn trút hết những tủi thân và đau buồn trong lòng.
Trong ký ức của cô, ngoại trừ ông nội, cô chưa từng khóc thoải mái như thế trước mặt bất kỳ một người nào khác.
Tô Hàng toàn thân cứng đờ như hóa đá, hồi lâu sau, khó khăn lắm mới mở được miệng: "Đỗ Tịch Nhan, tớ sẽ không ức hiếp cậu nữa, cũng sẽ không cho ai đến bắt nạt cậu!"
"Thật không?" Cô ngước mắt nhìn anh, qua hàng nước mắt nhạt nhòa, dáng vẻ tội nghiệp, "Từ nay về sau cậu sẽ luôn ở bên tớ, bảo vệ cho tớ chứ?" Tô Hàng trịnh trọng gật đầu, rồi lại gật đầu.
Tiếng ve râm ran rộn rã bỗng biến mất, cô tưởng như nghe thấy tiếng nụ hoa cựa mình hé nở.
Tịch dương rải những ánh vàng rực rỡ, vạn vật như được nhuốm sắc màu huyền ảo. Ánh mặt trời chói lóa xuyên qua kẽ lá, không ngừng nhảy nhót trên khuôn mặt anh tú của cậu thiếu niên.
Hóa ra, không phải tất cả mọi người đều bỏ rơi mình. Tô Hàng, anh đã đồng ý sẽ luôn ở bên che chở cho mình.
Thế là, cô bé lầm lì cô độc ấy, bỗng nhoẻn miệng cười.
Tô Hàng giúp cô nhặt bài thi rơi dưới đất lên, cho vào trong cặp: "Đi thôi, để tớ đưa cậu về nhà", rồi dẫn đường đi trước, nhưng Tịch Nhan vẫn chưa bám theo.
Anh ngạc nhiên quay đầu lại, cô vẫn đứng nguyên chỗ ban nãy, khuôn mặt đỏ bừng lúng túng nói không nên lời: "Cậu, cậu có thể dắt tay tớ được không?". "Dĩ nhiên là được rồi". Cậu thiếu niên áo trắng nhoẻn miệng cười, chìa tay về phía cô.
Bàn tay anh to lớn, không nhớp dính, đặt tay vào trong lòng bàn tay anh, cảm nhận được hơi ấm rất thật. Cô ngắm nhìn từng đường nét khuôn mặt nhìn nghiêng của Tô Hàng, trong lòng dấy lên niềm yêu thích mơ hồ.
Ngay từ ngày đầu tiên chuyển tới lớp, chàng trai sáng sủa như ánh dương này, đứng trước bàn, nở nụ cười mê hồn, đã ngay lập tức chinh phục trái tim cô đơn của cô. Sống mũi cao thẳng, đường nét anh tú, đôi mắt sáng, lúc nào cũng long lanh nụ cười, một chàng trai cuốn hút như thế không mê đắm mới là lạ.
Góc phố lờ mờ ánh đèn, Tịch Nhan nắm chặt tay Tô Hàng suốt quãng đường về, mười ngón tay chạm nhau, vân liền vân. Hết ngọn đèn đường này đến ngọn đèn đường khác, ánh đèn màu vàng cam chiếu rọi từ đỉnh đầu, hai cái bóng nhỏ líu ríu như hòa làm một.
Cô cảm nhận được, khối băng lạnh lẽo ngự trị đã lâu trong lồng ngực dường như đang ấm dần lên từng chút, từng chút một.
Chưa nói lời yêu, nhưng đó cũng là những đoạn hồi ức đẹp đẽ nhất.
Rất nhiều năm sau, Tịch Nhan mỗi lần nhớ lại buổi hoàng hôn ấy đều thấy lòng ấm lại. Đêm mùa hạ tĩnh lặng, trên nền trời xanh thẫm là hằng hà sa số những vì sao, dưới ánh đèn đường mờ ảo, người con trai cô đem lòng yêu đang nắm lấy tay cô, cười với cô.
Dẫu rằng sau này cô và Tô Hàng không thể ở bên nhau, nhưng ký ức về bàn tay ấm buổi tối ngày hôm ấy sẽ mãi mãi không bao giờ phai nhạt.
Sau buổi hôm đó, hai người trở thành những người bạn thân thiết, ngồi chung một bàn, cùng học, cùng làm bài. Giờ lên lớp, anh dạy cô học toán, phụ đạo thêm bài vở; tan lớp, anh giúp cô trực nhật, cùng cô chơi đùa, rồi đưa cô về nhà.
Trong sân trường, lá ngô đồng vàng rồi rụng, rồi lại bắt đầu nảy chồi, xanh nõn dưới ánh mặt trời.
Những ngày tháng tươi đẹp trôi đi sao mà nhanh. Chớp mắt, họ đã bước vào năm cuối cấp. Trưởng thành là chuyện đáng vui, nhưng cũng mang theo đó là không ít nỗi buồn, nào là những lời bịa đặt, rồi là chia ly.
Hôm đó sau giờ tan học, Tịch Nhan bị gọi lên phòng giáo vụ. Cô giáo Đường nghiêm mặt nặng lời, nói một tràng nào là tác hại của việc yêu đương sớm ra sao, học sinh phải chuyên tâm lo học hành thế nào, ...
Cô từ đầu chí cuối chỉ lặng im, cúi đầu, chăm chú nhìn gót chân mình. Cuối cùng, cô giáo Đường xua xua tay: "Từ nay trở đi, em không được ngồi cùng bàn với Tô Hàng nữa. Tôi không thể để cho một con sâu bỏ rầu nồi canh được!"
Tô Hàng bị chuyển lên ngồi bàn đầu, Tịch Nhan nhìn vẻ mặt dương dương tự đắc của cô bé được chỉ định ngồi cùng bàn với anh, không hiểu sao, lòng bỗng thấy chua xót. Đêm trước ngày thi chuyển cấp, một người bị cô lập triệt để là cô, bỗng bùng lên ý chí quật cường, quyết không chịu khuất phục, cô không còn trốn học hay ngủ gật trong lớp nữa, toàn tâm dốc sức học hành, chăm chỉ lên lớp, học bài làm bài đầy đủ, thành tích dần dần được cải thiện. Đợt thi thử cuối cùng, thành tích của cô xếp trong tốp mười người đứng đầu lớp, cô giáo Đường vui mừng đến nỗi không ngớt biểu dương cô, Tô Hàng cũng từ chỗ ngồi quay xuống cười với cô.
Tô Hàng, cậu nam sinh có bàn tay ấm áp, người đã hứa sẽ che chở cho cô suốt đời, cô nhất định phải thi đỗ vào học cùng trường với anh, cùng nhau học trung học, rồi cùng đi Bắc Kinh học đại học. Mục tiêu của anh, giờ cũng là lý tưởng của cô.
Một nam sinh thông minh ưu tú như anh, nhất định sẽ còn bay cao bay xa, cô chỉ còn nước vắt chân lên cổ, mới có thể bắt kịp được anh.
Tháng chín năm ấy, Tịch Nhan cuối cùng cũng có thể bước chân vào trường trung học Dật Dương, một trường trung học có tiếng của thành phố mà biết bao người mơ ước.
Lúc chia lớp, cô và Tô Hàng không cùng một lớp, không thể sớm chiều quấn quít bên nhau như hồi cấp hai được nữa. Thỉnh thoảng có gặp nhau trong trường, cũng chỉ hỏi thăm qua loa vài câu, rồi lại vội vàng nói lời tạm biệt.
Lên cấp ba, Tô Hàng như thường lệ vẫn là đứa con cưng được thầy cô và bạn bè nuông chiều, còn Tịch Nhan vẫn chỉ là cô nữ sinh lặng lẽ không ai biết đến. Cứ tan học cô lại chạy đến sân vận động xem anh đánh bóng rổ, rồi về nhà lén viết tên anh vào sổ nhật ký.
Tống Anh mắng cô ngốc nghếch: "Thầm thương trộm nhớ người ta từ cấp hai lên đến cấp ba này rồi, cả trường gần như ai ai cũng biết cả rồi, vậy mà cậu vẫn không dám thổ lộ. Đỗ Tịch Nhan, nói ra thì sẽ chết hay sao hả?"
Lần nào câu trả lời của Tịch Nhan cũng là: "Không chết, nhưng mà còn thảm hơn là chết ấy!"
Có thể câu "tôi thích bạn" đối với người khác mà nói, không phải là chuyện gì to tát cả, thế nhưng, Tịch Nhan lại không thể thốt nên thành lời.
Bởi vì Tô Hàng, là vị thần hộ mệnh của cô, là vị thần cứu cô ra khỏi thế giới tối tăm mù mịt trước kia. Cô biết thổ lộ làm sao đây?
Tình yêu của cô, nhỏ nhoi mà tuyệt vọng, chỉ cần được nhìn thấy bóng hình anh giữa biển người, được dạo bước trên con đường rợp bóng cây anh đã đi qua, mân mê cột bóng nơi anh vẫn chơi, hay chỉ đơn giản là hít thở bầu không khí anh đã từng hít thở, thế cũng đã đủ lắm rồi.
Niềm vui lớn nhất trong mỗi ngày tới trường của Tịch Nhan, chính là được nhìn thấy Tô Hàng. Cô ngày ngày đi qua cửa lớp anh, hy vọng được gặp anh trên lối hành lang dài dài ấy.
Không gặp được thì trong lòng buồn bực, cả ngày ủ rũ; gặp được rồi, thì lại lo lắng phấp phỏng, cảm thấy mình chỗ nào cũng không ổn: nào là quần áo chẳng ra làm sao, đầu tóc rối bù, chân không đủ dài, vòng một "màn hình phẳng" quá, vân vân và vân vân.... Chỉ bởi thứ tình cảm non nớt và mãnh liệt ấy, bắt đầu chớm nở trong cô bé dậy thì muộn, từ một cô nhóc tối ngày chỉ biết trèo tường leo cây đến khi biết làm duyên, lần đầu tiên thực sự ý thức được mình là con gái, một cô gái mới chớm biết yêu.
Đến năm lớp 12, tình cảm thầm kín ấy như sợi dây mây, càng lúc càng thít chặt khiến cô nghẹt thở.
Tô Hàng chẳng mấy chốc đã cao 1m80, càng ngày càng cao lớn tuấn tú, chẳng khó khăn gì để nhận ra anh giữa đám đông.
Anh vẫn như trước, rất được lòng mọi người, lần nào gặp anh đều thấy cả đám đông vây quanh, chuyện trò vui vẻ, nhìn thấy cô gật đầu hoặc mỉm cười, Tịch Nhan không thể không thừa nhận sức hấp dẫn của anh.
Tô Hàng mười bảy, mười tám tuổi, vẻ đẹp thanh xuân như vầng dương sáng chói, răng trắng môi đỏ, đường nét hài hòa. Anh như ngọn hải đăng dẫn lối đưa đường giữa đêm tối mịt mù, có sức hút mãnh liệt đối với nhãn cầu của cô, mãi không nỡ rời xa.
Nhưng cô cũng không dám nhìn anh quá lộ liễu, không dám mở to mắt đường đường chính chính nhìn anh, chỉ sợ bốn mắt chạm nhau, đôi đồng tử sâu thẳm sáng ngời ấy sẽ nhìn thấu những tâm sự ẩn giấu trong tâm can cô.
Cô đã yêu anh trong sự cẩn thận, dè dặt, mâu thuẫn trăm bề như thế, trong lòng đau khổ mà không thốt nên lời, lại có cả cảm giác hạnh phúc nhỏ nhoi. Tô Hàng lại không hề hay biết. Ánh mắt anh mỗi khi nhìn cô, chỉ là cái nhìn đơn thuần không hơn không kém.
Tình yêu thầm kín dành cho Tô Hàng, như hàng trăm nghìn con kiến, ngày đêm gặm nhấm trái tim Tịch Nhan.
Đêm càng sâu cảnh vật càng tĩnh lặng, nỗi nhớ nhung khiến cô không sao ngủ được. Cô dứt khoát bò dậy, mở nhật ký ra, bắt đầu làm thơ, những vần thơ mông lung không ai hiểu được. Tịch Nhan sùng bái thơ Thư Đình, Bắc Đảo, Cố Thành[1], nhưng thích nhất vẫn là Tịch Mộ Dung[2], đặc biệt là bài "Cây hoa nở":
"Nếu để em gặp
Vào khi em đẹp nhất
Vì điều này
Em đã cầu Phật cả trăm năm
Cầu cho chúng ta kết mối duyên trần
Phật bèn hóa em thành cái cây
Mọc trên con đường anh vẫn qua lại
Dưới ánh nắng
Cần mẫn nở đầy hoa
Mỗi đóa là một ước mong em kiếp trước
Khi anh đến gần
Xin anh lắng nghe
Những cánh lá đang run rẩy
Là lòng nhiệt thành em đợi em chờ
Còn nếu anh vô tâm bước qua
Rơi đầy mặt đất sau lưng anh
Hỡi bạn của tôi
Không phải là cánh hoa
Mà là trái tim em điêu tàn"
[1], [2] Các nhà thơ đương đại Trung Quốc, đại diện cho trường phái "thơ mông lung"
Cô thường nghĩ, mình chính là cái cây nở hoa, mãi đứng đợi anh, đợi đến khi hoa nở cũng đã hạnh phúc lắm rồi.
Nhưng cuối cùng, anh vô tâm bước qua. Trái tim cô, chỉ còn là những mảnh điêu tàn anh bỏ lại sau lưng.
Nỗi ân hận lớn nhất cuộc đời Tịch Nhan, chính là không thể học cùng trường đại học với Tô Hàng.
Tô Hàng không hổ danh tư chất hơn người, thi đỗ vào trường đại học X ở Bắc Kinh, niềm ao ước của bao người, còn cô thất bại trong kỳ thi tốt nghiệp, giấc mộng Bắc Kinh không thành, đành chuyển tới một học viện sư phạm không mấy tiếng tăm của tỉnh. Kẻ Nam người Bắc, không chỉ là khoảng cách về không gian, mà còn là cả sự xa cách trong tâm hồn.
Lên đại học, Tịch Nhan trổ mã thành một nữ sinh dáng dong dỏng, mảnh khảnh, xinh xắn. Cô giản dị, mộc mạc, không phô trương, mà nền nã như một đóa hoa chi tử, thanh khiết mà trong sáng. Nam sinh trong khoa đều nói rằng, cô mang lại cho người đối diện một cảm giác thoải mái dễ chịu.
Người khác chỉ thấy được vẻ bề ngoài hiền lành yếu đuối của cô, mà không biết rằng, đằng sau cái dáng mảnh khảnh ấy là một ý chí quật cường, bảo thủ nhưng cũng rất kiên trì.
Tịch Nhan chối từ tất cả những chàng trai có ý định tiếp cận mình, không qua lại với bất cứ người bạn khác giới nào, chỉ ngày ngày lên lớp, về ký túc, lên thư viện. Thời gian rảnh rỗi, cô không đọc sách thì lên mạng.
Cô ngày nào cũng vào trang của hội cựu học sinh trường cấp ba nơi cô và Tô Hàng cùng học, dừng lại hồi lâu xem trang chủ của anh như người khách ghé qua. Cô biết được QQ của anh và cũng đã gửi lời mời kết bạn.
Tô Hàng cũng nhanh chóng chấp nhận lời mời của cô. Trên QQ, hai người chuyện trò cười đùa không ngớt, trêu chọc nhau như hồi cấp hai. Cô cẩn thận che giấu những tâm sự trong lòng, tận hưởng khoảng cách gần. Nhưng rồi, một hôm, Tô Hàng gặp Tịch Nhan trên QQ, sau màn chào hỏi, liền kể với cô chuyện tình yêu giữa anh và bạn gái, lúc đó đang trong giai đoạn mặn nồng. Anh kể rất tường tận rằng người con gái đó thông minh ra sao, xinh đẹp, thanh nhã, phóng khoáng, có tài văn nghệ như thế nào, và rằng trong suy nghĩ cũng như trong mắt anh, không có ai hoàn mỹ hơn thế.
Kết lại, anh nói với cô: "Cô ấy cũng là người thành phố C, tên chỉ khác cậu đúng một chữ, là Đỗ Triều Nhan".
Thời gian như ngừng trôi, không gian lặng im, vạn vật không một tiếng động.
Tạo hóa thật khéo trêu ngươi, người con gái anh yêu lại chính là người chị song sinh của cô.
Trái tim Tịch Nhan quặn thắt lại, nhưng vẫn thật thà nói: "Đó là chị mình, cũng học ở trường cậu".
Tô Hàng không sao tin nổi điều này, gửi đến một chuỗi những dấu hỏi.
Cô trả lời bằng một mặt cười, đáp: "Chúc mừng, chúc hai bạn hạnh phúc".
Anh không nhìn thấy, cô ngồi trước màn hình, tay vẫn gõ chữ, mà khóe mắt cay cay, nước mắt cứ thế tuôn rơi, từng giọt từng giọt lăn xuống má, rơi xuống bàn phím, không sao ngăn nổi.
Từ nhỏ tới lớn, tất cả những người con trai tiếp cận cô, không có bất cứ ngoại lệ nào, sau cùng đều thích chị của cô. Cô những tưởng, Tô Hàng không như thế, nhưng anh rốt cuộc cũng không ngoại lệ, không cưỡng nổi sức hấp dẫn của Triều Nhan.
Quả nhiên là vậy, Tịch Nhan không trách Triều Nhan.
Cô biết, chị không giống cô, chị hiếu thắng, không bao giờ chịu từ bỏ thứ mình muốn; còn cô lại quá nội tâm yếu đuối, không giỏi thể hiện. Dù có cho cô cơ hội để cạnh tranh một cách công bằng, khi thấy chị và Tô Hàng đến với nhau, Tịch Nhan cũng chỉ biết lặng lẽ rút lui.
Mối tình đầu thầm kín đẹp đẽ mà thê lương, đã kết thúc trong thất bại như thế.
Trong những đêm mất ngủ, cô vẫn nhớ tới Tô Hàng, anh đã trở thành một phần trong những ký ức tuổi trẻ một thời của cô.
Tịch Nhan tưởng rằng, Tô Hàng và Triều Nhan, sẽ như trong bài hát - "Cô trông thật xinh đẹp, cô thề thốt sẽ mãi yêu anh, chúc mừng cô vì niềm hạnh phúc, từ nay mang họ của anh, trở thành người vợ trăm năm ân ái".
Nhưng đến năm thứ ba đại học, Triều Nhan chủ động nói lời chia tay. Tô Hàng, người đàn ông trong mộng của Tịch Nhan, chị có được dễ dàng ra sao, thì nay cũng vứt bỏ giản đơn như thế.
Cậu con cưng trước nay muốn gì được nấy, bỗng bị giáng cho một đòn mạnh như thế, rất nhanh suy sụp tưởng như không gượng dậy nổi.
Tống Anh gọi điện động viên Tịch Nhan: "Bây giờ là lúc anh ta cần có người ở bên an ủi nhất. Cậu cứ nghe tớ đi, Tịch Nhan, không phải dễ mà gặp được người mình thực sự yêu thương, nữa là cậu đã thầm thương trộm nhớ anh ta đã bao năm rồi. Hạnh phúc, có những khi chỉ cách chúng ta một bước chân, cậu phải thử bước tới xem thế nào chứ!"
Hồi cấp ba, Tịch Nhan từng cỗ vũ Tống Anh theo đuổi Dương Tranh, còn giúp cô viết cả thư tình. Bây giờ lại đến lượt Tống Anh động viên cô.
Và thế là, Tịch Nhan đi đến một quyết định hết sức dũng cảm: cô phải đi tìm Tô Hàng, thổ lộ cho anh biết nỗi lòng mình.
Đó cũng là lần đầu tiên cô đi xa như thế, chen chúc trong đám đông ở bến tàu. Vé ngồi cứng cũng không còn, mà chỉ có vé đứng.
Lại đúng dịp nghỉ ngày Quốc tế lao động 1/5, tình trạng trên tàu còn kinh khủng hơn cả trong tưởng tượng của cô. Trời nóng như đổ lửa, trong toa xe thì toàn những mùi khó chịu. Cô bị xô đẩy chen chúc trên lối đi hẹp, bị đám đông xô nghiêng ngả. Bộ váy liền thân bởi thế đâm ra nhàu nhĩ nhăn nhúm, lem nhem hết cả. Cô bắt bản thân thích ứng với hoàn cảnh như vậy, còn mang theo mấy cuốn tiểu thuyết. Suốt 21 tiếng đồng hồ, cô tựa vào va li hành lý xem sách. Tự nhủ trong lòng, sắp được gặp Tô Hàng rồi, hành trình dài dằng dặc và đơn độc này, vì thế cũng trở nên không quá khó chịu.
Lúc cô tới được trường đại học nơi Tô Hàng đang theo học, đã là trưa ngày hôm sau. Suýt chút nữa thì lạc đường, lòng vòng hơn tiếng đồng hồ, mới tìm thấy trường đại học danh tiếng ấy.
Tịch Nhan mặt mũi lấm lem bụi đường kéo theo va li hành lý đứng trước cổng. Vừa đúng lúc hoàng hôn, người ra người vào khá đông, thỉnh thoảng lại có người nhìn cô bằng ánh mắt hiếu kỳ.
Tô Hàng nhận được điện thoại của cô thì rất ngạc nhiên, vội vàng nói: "Cậu đợi một chút nhé, mình sẽ ra ngay!". Tịch Nhan gác máy, mới nhớ ra họ đã ba năm không gặp nhau, không biết anh giờ thay đổi thế nào rồi.
Tô Hàng chạy một mạch từ phòng ký túc ra tới cổng trường, thoáng cái đã nhận ngay ra cô. Cô nhóc không có gì nổi bật năm nào, nay đã trở thành một cô gái duyên dáng xinh xắn, mặc váy liền thân màu trắng, thanh tú mảnh mai, tựa như đóa hoa bách hợp trong trẻo.
Tịch Nhan trông thấy anh từ xa, nhưng không đưa tay ra vẫy, chỉ khẽ mỉm cười, khuôn mặt không giấu nổi vẻ mệt mỏi. Tô Hàng dừng lại trước mặt cô thở phì phò, đón lấy va li trong tay cô, hỏi: "Sao cậu lại tới đây?"
Tịch Nhan mỉm cười nhìn anh, không nói gì. Anh khá hơn trong tưởng tượng của cô. Đứng dưới dáng chiều vàng rực, vẫn dáng vẻ cao lớn anh tú ấy, đường nét khôi ngô ấy, chỉ hơi sa sút chút xíu.
Tô Hàng không hỏi thêm nữa, mà quay ra sắp xếp chỗ ở cho cô. Ngày hôm sau, lấy xe đạp chở cô đi tham quan xung quanh, đưa cô đi nếm thử những món ăn vặt nổi tiếng của địa phương, như người bản xứ hết lòng tiếp đãi người bạn phương xa.
Tối đến, anh gọi anh em cùng phòng đi cùng, ra nhà hàng gần trường, mời Tịch Nhan một bữa ra trò. Những người đó trông thấy Tịch Nhan đều tròn mắt ngưỡng mộ, huých huých vai Tô Hàng: "Người anh em thật là có phúc!". Anh cười lớn, tiện tay phát luôn vào lưng cậu bạn một cái: "Nếu cậu thích, thì cứ tự nhiên!"
Trong bữa tiệc, họ gọi rất nhiều rượu, hết cốc này đến cốc khác, rất nhanh đã có người say mèm, phải có người khác dìu, chân nam đá chân chiêu xiêu vẹo trở về.
Tô Hàng không ngừng uống, rượu trong ly đầy rồi lại cạn, cạn xong lại đầy. Tịch Nhan ngồi bên, trong lòng dù xót xa, cũng không dám khuyên ngăn. Có lẽ, hơi rượu có thể làm tê liệt nỗi đau thất tình trong lòng anh.
Tới khi tất cả các chai đều đã cạn tới đáy, anh mới từ từ gục đầu xuống bàn.
"Tô Hàng...", cô khẽ gọi. Gương mặt đã ngà ngà hơi men ngẩng lên. Anh nhìn cô cười, vẻ trống trải tột cùng: "Tịch Nhan, cậu đến để cười nhạo tớ phải không?"
Có thứ nước nóng ấm, cứ thế từng giọt từng giọt nhỏ xuống mu bàn tay cô.
Tịch Nhan thấy lòng xót xa, nước mắt cứ thế trào ra. Cô kéo đầu anh dựa vào lòng mình, cuối cùng cũng thốt nên lới tâm can ấp ủ bấy lâu: "Tô Hàng, tớ thích cậu. Tớ sẽ luôn ở bên cậu, mãi mãi không bao giờ rời xa!"
Tịch Nhan không quên, đó là lời hứa của Tô Hàng năm mười bốn tuổi với cô trong rừng cây sau trường cấp hai thành phố C. Giờ đây, cô trả lại cho anh, cả vốn lẫn lãi.
Tô Hàng không nói nên lời, nắm chặt lấy cánh tay cô đưa ra dìu anh. Cô cũng cầm chắc lấy tay anh, không muốn buông ra.
Tịch Nhan và Tô Hàng, chính thức bắt đầu qua lại từ đó.
Mặc dù mỗi người một nơi, nhưng hầu như ngày nào cũng gọi điện cho nhau. Nghỉ hè về thành phố C, Tô Hàng lại cùng cô đi dạo phố, xem phim, mua quà tặng cô, chăm chút từng li từng tí như đối với Triều Nhan trước kia.
Dẫu rằng anh cũng chỉ là cậu sinh viên nghèo, về phương diện vật chất, cũng không tặng cô được nhiều thứ. Nhưng Tịch Nhan thấy thế cũng đủ lắm rồi. Trong suốt gần một năm ấy, cô như đang sống trên chín tầng mây, xung quanh toàn một màu hồng tươi tắn, ánh nắng chan hòa.
Hạnh phúc như đóa hoa cứ thế bung nở. Tịch Nhan cười nói hân hoan suốt ngày, thậm chí đi trên đường cũng nhảy chân sáo. Tống Anh phàn nàn: "Quen biết cậu bao năm như thế, nhưng thật sự đây là lần đầu tiên thấy cậu vui như thế!"
Hai tháng trước ngày tốt nghiệp, Tịch Nhan điện thoại cho Tô Hàng, bàn chuyện tương lai hai đứa. Cô hỏi anh: "Tô Hàng, anh có dự định thế nào? Thi tiếp nghiên cứu sinh hay đi làm? Nếu anh quyết định thi, em sẽ đợi anh".
"Anh..." Anh chần chừ một lúc, rồi nói: "Anh đợi nhận bằng tốt nghiệp xong thì sẽ ra nước ngoài, đi Mỹ du học".
Tịch Nhan ngẩn người, thực sự không dám tin vào điều mình vừa nghe thấy. Tô Hàng chưa bao giờ kể với cô về chuyện ra nước ngoài cả.
Cô tưởng rằng chỉ là câu nói trong lúc anh cao hứng, bèn hỏi thăm dò: "Làm visa cũng mất nhiều thời gian. Hơn nữa, anh đi du học một mình như thế, vậy em biết tính sao?"
"Visa đã làm xong lâu rồi". Anh ngừng một chút, rồi dè dặt: "Tịch Nhan, anh xin lỗi".
Hóa ra mọi kế hoạch đã được sắp sẵn từ lâu, chỉ là chưa nói cho cô biết mà thôi. Bạn trai ra nước ngoài, mà cô lại không hay biết tí gì, còn ngốc nghếch ngồi tưởng tượng về tương lai của hai đứa.
"Tô Hàng, anh coi em là cái gì hả? Là thứ để lấp chỗ trống khi anh thất tình, hay là thứ đồ chơi tiêu khiển?"
Phía đầu dây bên kia, Tô Hàng không nói được câu nào.
Tịch Nhan chợt hiểu ra tất cả. Khóe môi nhếch ra một nụ cười, lạnh lùng nói: "Tô Hàng, anh chưa bao giờ yêu em, đúng không? Nếu lúc đó người ở bên cạnh anh không phải là em, mà là bất kỳ một người nào khác, anh cũng sẽ đến với họ, phải vậy không?"
Anh không khẳng định, cũng không phủ định.
Tịch Nhan bỗng trở nên vô cùng lạnh lùng, lạnh lùng đến độ chính bản thân cô cũng thấy xa lạ.
"Anh vẫn không quên được chị Triều Nhan đúng không? Sau khi chị ấy rời xa, khoảng trống để lại trong lòng anh, không ai có thể lấp đầy, kể cả em đúng không?". Tô Hàng vẫn lặng im.
"Được, vậy chúng ta chia tay". Cô nói một cách hết sức bình thản.
Trong khoảnh khắc ấy, cô tưởng như nghe thấy tiếng trái tim mình vụn vỡ.
Chưa bao giờ cô nghĩ, tình yêu mà cô tha thiết ước mong, kiên trì vun đắp bấy lâu lại có ngày đổ vỡ tan tành thế này. Dường như tất cả chỉ là một giấc mơ, một giấc mơ suốt chín năm trời. Tỉnh lại rồi, mới biết rằng mình trắng tay. Từ đầu đến cuối, anh chỉ tồn tại trong giấc mơ, cô chưa bao giờ thật sự có được anh cả.
Dù thế, cô vẫn mong chờ dù chỉ một tia hi vọng mong manh, chờ ở anh một lời giải thích hay một câu phủ nhận. Nhưng anh thì không, phía bên kia ống nghe chỉ là khoảng không tĩnh lặng. Sự yên lặng của Tô Hàng, khiến cô hoàn toàn mất đi lòng tin.
Tiếng cô lạnh băng như thấu đến tận xương tủy: "Vĩnh biệt, Tô Hàng". Nói rồi, gác máy.
Vĩnh biệt, là biệt ly và vĩnh viễn không bao giờ gặp lại.
Hai tháng sau đó, Tịch Nhan ngập trong đống việc lặt vặt chuẩn bị cho tốt nghiệp, nào viết luận văn, rồi đi dự phỏng vấn, cố ý khiến cho bản thân trở nên bận rộn.
Một hôm, cô bỗng nhận được điện thoại của bố: Ông nội lâm nguy! Cô không quản ngày đêm lặn lội trở về thành phố C, vẫn không kịp nhìn mặt ông lần cuối.
Tịch Nhan ngồi xe bốn tiếng đồng hồ, lao vào nhà, thứ đầu tiên cô nhìn thấy là di ảnh của ông nội. Cô quỳ trước linh đường, mắt ráo hoảnh, không sao khóc được.
Tối hôm đó điện thoại của cô nhận liền hơn chục cuộc gọi nhỡ, đều của cùng một cái tên. Cô không bắt máy. Sau cùng, điện thoại cũng thôi không reo.
Tịch Nhan viết tin nhắn gửi đi: "Tô Hàng, hãy để hai chúng ta quên nhau đi".
Gửi xong, cô xóa tên anh khỏi danh bạ điện thoại của mình.
Đau thương đến tan nát cả cõi lòng.
Trong suốt những ngày ấy, Tịch Nhan không rơi một giọt lệ nào.
Nhưng trong lòng cô, như có một bàn tay lạnh lùng thô bạo không ngớt dày vò, từng cơn đau nhói.
Tốt nghiệp xong, Tịch Nhan trở về thành phố C, làm cô giáo dạy ngữ văn, nơi ngôi trường cấp hai cô và Tô Hàng từng theo học.
Những sôi nổi ồn ào của một thời quá vãng, đều đã ở cách cô quá xa rồi.
Hồ điệp không thể bay qua biển lớn.
Một người dẫu yêu thương sâu đậm đến đâu, đến cuối cùng, cũng chỉ như hạt sương dưới ánh nắng, biến mất không để lại vết dấu.
Anh và cô, đường ai nấy đi, chim đường chim, bướm lối bướm.
[Truyện Teen] Không Nhiều Thứ Quan Trọng Một câu chuyện rất hay, cảm động, đọc đến rơi nước mắt... Đọc Truyện » |