80s toys - Atari. I still have

Đèn led 


15giay.mobi

Đọc Truyện Online

Tuyển Chọn Tiểu Thuyết, Tình Cảm Hay Nhất

SMS chúc mừng năm mới 2014, Lời chúc năm mới 2014, Tin Nhắn Chúc Mừng Năm Mới 2014, SMS Chúc Tết 2014

Ads

iboom
iBoom Online
Game bắn súng canh tọa độ trên di động như như Gunny, Taan trên PC
Chi tiết »
SMS Kute Chúc Tết 2014 + Lời Chúc Năm mới
2014 một năm mới sắp đến hãy giành cho những người thân yêu nhất bên cạnh mình những lời chúc đầy ý nghĩa.

Chương 4

Sáng nay, tôi vừa ló mặt vô lớp, thằng Đại đã hỏi giật : 
- Sao giờ này mày mới tới ? 
Tôi giả vờ ngạc nhiên : 
- Chưa có trống vô lớp mà ! 
- Nhưng hôm nay tổ mình trực sinh. 
Tôi chép miệng : 
- Chà, tao quên đi mất ! 
Đại nhìn tôi, nghi ngờ : 
- Sao mày quên hoài vậy ? Kỳ trước mày cũng quên ! 
Tôi nhăn mặt : 
- Thì tại tính tao hay quên. 
Đại không hỏi gì thêm, nó chỉ dặn : 
- Lần sau ráng nhớ nghen ! Mày bỏ trực sinh hoài, cuối năm bị xếp loại lao động kém đừng có trách ! 
Thằng Đại này, từ khi làm tổ trưởng đến giờ nó sinh ra nhiều chuyện kinh khủng. Lúc nào nó cũng vặn vẹo hỏi tới hỏi lui hết việc này đến việc khác và nhất là luôn luôn "hù" tôi. Lần này, nghe nó nói, tôi phát bực : 
- Bao giờ mày cũng làm ra vẻ quan trọng. Các tổ khác thiêú gì đứa quên trực sinh. 
- Thằng này lạ ! Sao mày không bắt chước những đứa khá mà cứ đi so bì với những đứa lười ! Với lại, tổ mình khác những tổ kia, tổ mình có thằng Bảy ! 
Đang lúc đó thì Bảy đi cà nhắc vô, chổi kẹp dưới nách. Thấy vậy, tôi hơi ngượng. Đúng ra thì Bảy không phải trực sinh. Hôm trước cả tổ đã nhất trí miễn lao động cho nó. Nhưng cả hai kỳ liên tiếp vì tôi vắng mặt nên Bảy vẫn phải tham gia quét lớp và khiêng dọn bàn ghế. Đằng nào tổ tôi cũng phải làm vệ sinh cho lớp thiệt sạch trước khi có trống vô học nếu không muốn các tổ khác phê bình và thầy Dân kiểm điểm trong giờ chủ nhiệm đầu tuần. 
Thực ra, công việc trực sinh chẳng có gì là nặng nhọc cả. Nhưng không hiểu sao tôi lại hay tim` mọi cách để trốn tránh. Dường như tật làm biếng đã ăn sâu trong người tôi, tôi ngán cả việc nặng lẫn việc nhẹ. Và tôi thực hiện chuyện "tránh né" đó một cách tự nhiên, không suy nghĩ. Nhưng hôm nay, hình ảnh của Bảy tình cờ đập vào mắt khiến tôi cảm thấy áy náy dễ sợ. Nhất là lúc này bàn ghế đã được sắp xếp gọn gàng, ngay ngắn, sàn lớp sạch sẽ, tinh tươm, không có lấy một cọng rác. Điều đó càng khiến tôi thấy rõ rệt sự vô tích sự của mình, kẻ chuyên môn đi trễ để hưởng lấy công sức lao động của người khác. 
Nỗi bức rức mới mẻ đó khiến tôi vừa xấu hổ vừa bực bội. Tôi tìm cách che lấp khuyết điểm của mình : 
- Nhằm nhò gì chuyện quét lớp ! 
- Không nhằm nhò gì nhưng lớp đã phân công, mình phải làm đến nơi đến chốn chớ !- Đại tiếp tục sửa lưng tôi - Với lại đối với Hiền và Bảy, chuyện khiêng ghế đâu phải là nhẹ. 
Nhỏ Hiền nghe nhắc tới mình liền xen vô : 
- Lúc nãy tụi mình còn quét mạng nhện trên nóc nữa kìa ! 
Tôi nhún vai : 
- Tưởng gì ! Quét mạng nhện mà cũng khoe ! 
Thằng Quang ở đâu ngoài sân chạy vô, nghe nói tới nhện liền "mở máy" : 
- Mày biết không, giống nhện Ta-ran-tu-la ngộ lắm ! Mỗi lần đến tổ nhện cái, con nhện đực đều mang quà ra mắt hẳn hoi. Nó bọc quà trong một lớp tơ mỏng do những tuyến ngoại tiết ở các đầu ngón chân tiết ra. Vừa bước đến tổ là nó đã... 
Lúc này tôi không còn hứng thú gì để nghe chuyện loài vật huyên thuyên của Quang, tôi cắt lời nó cái rụp : 
- Thôi dẹp thứ nhện Ta-ran-tu-la khỉ gió của mày đi ! 
Tôi ôm cặp đi về chỗ ngồi trước cái miệng há hốc của nhà sinh vật. Nó không hiểu tại sao tự dưng tôi lại sửng cồ như một con gà chọi vậy. 


*  *

Nỗi ấm ức dai dẳng bám theo tôi đến tận giờ toán. Đến đây xảy ra thêm một chuyện khác. 
Thầy Đức ra một bài tập về phân tích thừa số, có ứng dụng hằng đẳng thức. 
Tất nhiên là tôi mù tịt. Trong khi cả lớp cắm cúi làm thì tôi ngồi chờ thằng Bảy. 
Nhưng tôi không ngồi không mà vẫn giả bộ chăm chú làm bài, ngòi viết vẽ nguệch ngoạc những hình thù vớ vẩn trên giấy. Bên cạnh tôi, Quang cũng đang ngồi cắn viết, trên trang giấy ngoài những đề toán ra chỉ có vỏn vẹn hai chữ "bài làm". Ở đầu bàn bên kia, Đại đang làm bài ngon lành. Nó nghĩ ngợi một thoáng rồi cúi xuống bài tập hí hoái viết, rồi lại nghĩ, rồi laị viết. Ngòi viết chạy sồn sột trên giấy, ngó bắt mê. Hỏi mấy đứa bên lớp 8A3, tôi mới biết nó là học sinh giỏi. Năm ngoái, nó còn là đội viên xuất sắc, đạt danh hiệu cháu ngoan Bác Hồ nữa. Hèn gì mà nó "tác phong" gớm ! Nhỏ Hiền ngồi kế thằng Đại dường như cũng làm bài được. Bài hằng đẳng thức ngày hôm trước nó học không hiểu còn hỏi tôi, sao hôm nay nó viết nhoang nhoáng vậy không biết ! 
Bài tập có ba đề toán nhỏ, làm trong mười lăm phút. Tôi ngồi vẽ bậy một hồi đã thấy nóng ruột. Liếc sang Bảy, thấy nó đã làm gần xong hết đề thứ hai, tôi liền thúc : 
- Xích cùi chỏ ra mày ! 
Bảy liếc trộm lên bàn thầy một cái rồi lặng lẽ nhất cùi tay lên, để lộ những dãy chữ số bí hiểm nằm xếp hàng trên giấy một cách trật tự. Thế là cũng như năm trước và năm trước nữa, tôi âm thầm sao chép lại bài làm của nó. Đúng là con cá nó sống vì nước, tôi sống vì thằng Bảy ! 
Chép được vài ba dòng, tôi dòm sang thằng Quang, thấy nó vẫn ngồi trầm ngâm như một tượng đá, bài làm vẫn để trắng. Động lòng trước kẻ cùng cảnh ngộ, tôi hích nhẹ vô vai nó, thì thầm một cách hào hiệp :
- Ngó bài của tao mà chép ! 
Thằng Quang làm như không nghe thấy, nó vẫn ngồi im. 
Tôi hích một cái nữa : 
- Nè, chép bài của tao đi ! 
Lần này, Quang cau mặt : 
- Tao không thích cóp-pi. 
Tôi cảm giác như nó vừa dội một gáo nước lạnh lên đầu tôi. Tai tôi nóng ran. Tôi "xì" một tiếng : 
- Lưu ban mà còn làm bộ ! 
Thằng Quang dáng mạo trông dữ tợn nhưng tính lại hiền. Nếu gặp đứa khác, nghe tôi nói đâm hông như vậy, d'am nó nổi nóng gây chuyện đánh nhau rồi. Nhưng đằng này, Quang chỉ ngồi yên, trán cau lại, còn môi thì mím chặt. 
Tai thằng Đại thính như tai mèo. Nghe tiếng xì xào, nó quay sang : 
- Đừng làm ồn chớ ! 
Đang "cóp" bài của thằng Bảy, tôi dại gì làm ồn. Chỉ tại thằng Quang khỉ gió kia thôi. Đã học kém mà còn lên mặt ! Đã làm ơn lại còn mắc oán, tôi vừa tức anh ách trong bụng vừa theo dõi sít sao sự di động của cùi tay thằng Bảy. 
Ai dè từ khi tôi và Quang xì xào, thằng Đại vừa làm bài vừa liếc chừng lại chỗ hai đứa tôi. Khi thấy tôi "cóp" bài của Bảy, nó nhắc liền : 
- Huy không được coi lén bài của bạn. 
Tôi giật mình, và trong bụng giận "cậu ông trời" kinh khủng. Nó "lật tẩy" tôi trước mặt nhỏ Hiền khiến tôi mắc cỡ muốn chết. Nhất là trước nay nhỏ Hiền cứ tưởng tôi là ông vua toán đến nỗi năn nỉ nhờ tôi giảng bài giùm. Mà tôi đâu có coi lén. Tôi coi đường đường chính chính, được sự đồng ý của Bảy đàng hoàng. Nhưng nghĩ trong bụng vậy thôi chớ tôi đâu dám nói ra. 
Ngồi yên một hồi, thấy đã sắp hết giờ và Đại thì đang chúi mũi vô bài làm, tôi lại quay sang Bảy định tranh thủ kiếm thêm vài dòng cho xong bài số một. 
Nhưng cặp mắt thằng Đại như máy ra đa, tôi vừa liếc bài của Bảy một cái, nó đã bắt gặp : 
- Nè, tôi thưa thầy trừ điểm của cả hai bạn đó nghen ! 
Thằng Bảy nghe thằng Đại dọa, hoảng hồn hạ cùi tay xuống. Còn tôi thì thở dài một cái và chán nản đậy nắp viết lại. Bài này coi như bỏ, những bài tập kỳ sau mình phải tính cách khác ! Năm nay tôi đụng thằng Đại, thật xui tận mạng, y như đụng sao quả tạ. 
Do những biến cố như vậy mà lần đầu tiên kể từ ba năm nay, bài tập toán của tôi bị điểm 3. Quang còn tệ hơn, nó được có hai điểm. Bảy và Đại đều được điểm mười. Nhỏ Hiền bảy điểm. Sau này tôi mới biết là hôm trước, sau khi tôi ở nhà Hiền về, nó đã đem bài hằng đẳng thức qua nhờ Đại giảng. Nhà Đại ở kế chợ Cầu Ván, cách nhà nhỏ Hiền chừng một trăm thước. Nhờ vậy mà nhỏ Hiền được điểm bảy, có lẽ là điểm cao nhất của nó từ trước tới giờ về môn toán. 
Điểm ba của tôi và điểm hai của Quang không phải chỉ là nỗi buồn của hai đứa tôi mà còn là nỗi buồn của cả tổ. Bởi vì nó kéo điểm học tập của tổ xuống theo. 
Hôm tổng kết thi đua hàng tuần, thằng Can thay mặt ban cán sự lớp và ban thi đua chi đội lên đọc điểm số và thứ hạng. 
Khi nghe công bố tổ năm đứng hạng sáu về học tập, mặt thằng Đại buồn xo. Về các mặt khác, tổ tôi đều xếp từ hạng tư trở lên, chỉ có học tập là tụt xuống dưới trung bình. 
Sau khi ban cán sự lớp nhận xét từng tổ xong, tới lược các tổ trưởng đứng lên phát biểu ý kiến. Mỗi tổ đều phân tích điểm yếu của mình và nên phương hướng khắc phục. 
Tới tổ năm, Đại đứng dậy : 
- Về các mặt đạo đức, vệ sinh, lao động, rèn luyện thân thể, tổ năm đều có những cố gắng. Riêng về học tập, tổ năm còn yếu vì trình độ chưa đồng đều. Có bạn khá môn này laị yếu môn kia. Có bạn yếu nhiều môn một lúc. Trong thời gian tới, để khắc phục tình trạng này, tổ năm sẽ giúp đỡ lẫn nhau học tập ở trường cũng như ở nhà và sẽ xây dựng những đôi bạn cùng tiến mà theo lời thầy Dân nói thì trong vòng tuần tới trường ta sẽ phát động đồng loạt. 
Nó nói nghe phat' ghét. Có gì đâu mà trình độ chưa đồng đều. Nếu trong tiết toán vừa rồi nó cứ lờ đi để cho tôi "cóp" bài thả dàn, có phải là trình độ tổ năm sẽ "đồng đều" không ! Lại còn nhà sinh vật Quang nữa, nếu nó chịu "cóp" bài như tôi thì đâu đến nổi nào. Sao tổ tôi toàn những đứa không biết điều vậy không biết ! 
Dòm bộ tịch ủ dột của Đại, tôi nhủ thầm một cách khoái chí : "Tại mày chứ tại ai !" Trong giờ ra chơi, Đại đến gần tôi, hỏi với vẻ thân mật : 
- Hình như về nhà, Huy với Bảy có học chung với nhau phải không ? 
Chết rồi ! Tôi than trong bụng. Hôm trước tụi tôi nói dối với thầy Dân mà "cậu ông trời" tưởng thiệt. Tôi giả bộ nhăn mặt : 
- Chuyện của tao mày hỏi làm chi ? 
Đại trố mắt : 
- Đây đâu phải là chuyện riêng. Việc học tập của mỗi người có liên quan đến việc học tập của cả tổ kia mà ! 
Tôi vặn lại : 
- Vậy sao hôm trước tao... liếc sơ bài của thằng Bảy một chút mày lại làm khó làm dễ ? Tại mày mà tổ mình mới tụt hạng đó, mày biết không ? 
- Sao lại tại tao ? Đó là tại mày không chịu học hành đàng hoàng. Muốn cho tổ tiến bộ thì mỗi người phải cố học chứ đâu phải bày trò gian lận. Giúp đỡ nhau học tập không có nghĩa là cho bạn mình cóp-pi ! 
Lúc đầu, Đại định nói năng nhỏ nhẹ với tôi. Sau thấy tôi cãi bướng, nó nổi khùng, nói oang oang. 
Tụi bạn trong lớp nghe ồn, chạy lại bu quanh. Thấy vậy, tôi lảng đi chổ khác sau khi buông thỏng một câu ngang phè : 
- Mày lo cái xác của mày đi ! Thân tao, tao lo ! 
Chuyện có chút xíu vậy mà ngay ngày hôm sau trên tờ bản tin của lớp, không biết tay nào "phang" ngay một bài thơ :

Lớp tôi có một anh chàng 
Toán không lo học, cứ hoài cóp-pi 
Vậy mà tổ trưởng phê bình 
Thì anh ta lại nổi khùng nói ngang 
Muốn khá thì phải ráng lên 
Mới mong đưa tổ vượt lên trên trung bình.

Bài thơ có tựa là "Nhắn ai", nhưng rõ ràng là nhắn tôi rồi. Ở dưới ký tên là Kiến Lửa. Tôi nghĩ hoài mà không đoán ra Kiến Lửa là ai. Chắc chắn không phải là thằng Chí rồi, mặc dù tôi với nó đến nay vẫn chưa hoà giải được vụ xích mích từ hôm xếp lại chổ ngồi. Chí bà con với rệp chứ không thể họ hàng với kiến được. Vả lại, Chí chẳng làm thơ bao giờ, dù là thơ con cóc như bài thơ này. Thơ lục bát gì mà lạc vần ráo trọi. "Chàng" mà vần với "hoài" làm sao được ! Lại còn "pi" với "bình", "ngang" với "lên" nữa. Đó là chưa kể câu chót lại dư ra một chữ. Dốt đến vậy mà còn bày đặt làm thơ châm chích người khác. Tôi lầm bầm trong bụng một cách tức tối nhưng rốt cuộc vẫn không nghĩ ra thủ phạm là ai. 
Trong khi đó thì đám bạn trong lớp xúm lại trước bài thơ vừa đọc vừa cười hinh hích. Đám con gái làm tôi ngứa mắt nhất. Chúng vừa coi vừa bá vai nhau cười khúc kha khúc khích, tỏ vẻ thích thú lắm. Đã vậy, chúng cứ đứng lì trước tờ bản tin, đọc đi đọc lại bài thơ chớ không chịu đi cho khuất mắt. Mỗi một tiếng cười của chúng như mỗi mũi kim chích vô tim tôi, đau nhói. Tôi vừa xấu hổ, vừa giận dỗi, lại vừa thầm công nhận cái con kiến lửa quỷ quái này chích độc thiệt. Nếu tôi biết nó là đứa nào, chắc nó mềm xương với tôi.

Tất nhiên tôi có thể hỏi nhỏ Kim Liên, lớp phó học tập kiêm chủ bút bản tin, để dò la tin tức thủ phạm, mặc dù chưa chắc nó chịu nói. Nhưng tôi không thèm hỏi. Dù gì thì tôi cũng là cựu chủ bút của cái tờ bản tin kiêm báo tường này. Năm ngoái, chính tay tôi đã từng sửa bài của nó trước khi chọn đăng, không lý gì bây giờ lại đi hạ mình trước nó để hỏi "tiểu sử" của nhà thơ Kiến Lửa dở ẹc kia. 
Thật ra tôi giận con kiến thì ít mà tức con cóc thì nhiều. Trăm sự cũng tại thằng "cậu ông trời" mà ra hết. Nói cho đúng ra, gọi thằng Đại là "cậu ông trời" trong thời điểm này cũng không chính xác lắm. Bởi vì càng ngày tôi càng nhận ra Đại chỉ lầm lì, ít nói với những chuyện gì chứ với chuyện học tập và sinh hoạt trong tổ thì nó to mồm nhất hạng. Chuyện gì của tụi tôi nó cũng xét nét, cũng có ý kiến. Mới hôm qua, thằng Bảy lại bị nó chỉnh về việc nhét khăn quàng đỏ trong cặp, đợi vô lớp mới đem ra đeo. Nhưng đặc biệt là nó thường xuyên "đụng" tôi, y như là hai đứa không thể đội trời chung trong một cái bàn vậy.

Càng nghĩ, tôi càng tức Đại, đồng thời tôi cũng cảm thấy lòng tự ái bị thương tổn khi nghĩ rằng dưới mắt nó, tôi chỉ là đứa học trò chuyên môn phạm lỗi và là một thành viên vô tích sự của tổ năm. 
Bài thơ ác khẩu kia làm tôi buồn bã hết mấy ngày. Trong mấy ngày đó, tôi không còn hào hứng la hét, chạy nhảy trong giờ chơi như thường lệ nữa. Tôi cũng không dám lởn vởn trước mặt bọn con gái, càng không dám thỉnh thoảng cao hứng chọc ghẹo chúng như trước. Còn đối với nhỏ Hiền thì tôi tuyệt đối không dám chạm mặt. Nếu tình cờ bắt gặp ánh mắt của nó bao giờ tôi cũng vội vã quay đi. 
Phải đợi đến tiết ngữ pháp sáng nay, nỗi buồn kia mới có dịp chắp cánh bay đi khỏi tâm hồn tôi. Bởi vì bài kiểm tra ngữ pháp của thầy Dân chỉ có mình tôi được điểm mười. Những đứa khá nhất trong lớp chỉ đạt tới điểm chín là cao nhất. Tổ tôi chỉ có mình Đạt là đạt điểm tám. Những đứa khác chỉ đạt điểm trung bình.
Khi thầy Dân hô tên đọc điểm để ghi vô sổ, tôi hồi hộp chờ đến tên mình. Cái tên Phan Thanh Huy đối với tôi vô cùng thân thuộc, vậy mà khi nghe thầy gọi tôi vẫn bị giật mình, mặc dù tôi đã chuẩn bị tinh thần khi thầy Dân kêu đến những đứa vần H như thằng Hân, thằng Hùng. 
Tôi đứng bật dậy, dõng dạc : 
- Mười ! 
Tiếng "mười" từ miệng tôi thốt ra gây chấn động không khác gì quả bom nguyên tử. Những đứa bàn trên mặc dù đã biết tôi là "cây ngữ pháp" từ năm lớp sáu vẫn quay đầu lại dòm. Đám con gái thì chắc lưỡi trầm trồ một cách lộ liễu. 
Sau khi ngồi xuống, bất giác tôi quay sang nhỏ Hiền và thấy nó đang nhìn tôi, nhoẻn miệng cười. Tự nhiên tôi bỗng quên hết mọi buồn phiền trước đây và nhe răng cười khì một cái. 
Hiền chìa tay : 
- Huy cho Hiền mượn bài làm của Huy đi ! 
Tôi chỉ thằng Quang, lúc này đang ngồi đọc bài làm của tôi chăm chú không khác gì bác sĩ đang nghiên cứu vi trùng vậy. 
- Vậy lát nữa Huy cho Hiền mượn nghen ! 
Tôi vui vẻ gật đầu, hệt như một ông tiên hào phóng sẵn sàng ban phép lạ của mình cho tất cả mọi người.
Ngay cả thằng Đại, lúc ra về cũng lại gần tôi, xuýt xoa : 
- Mày học ngữ pháp "siêu" quá hén ! 
Lần đầu tiên, Đại khen tôi. Vì bất ngờ, tôi chỉ ậm ừ trong miệng, không đáp. Nhưng trong lòng tôi, nỗi bực tức đối với nó đã giảm đi một nửa. 
- Sắp tới Huy kèm ngữ pháp cho những bạn yếu trong tổ được không ? 
Cũng lần đầu tiên, Đại "nhờ vả" tôi, dù không nhờ vả cho bản thân mình nhưng cũng là nhờ vả. 
Tôi gật đầu, kiêu hãnh : 
- Được thôi ! Khó gì môn ngữ pháp ! 
Ngoài miệng thì nói câu đó nhưng trong bụng tôi lại nghĩ câu khác : "Phải chi môn toán mình cũng học 'siêú như môn ngữ pháp thì khoái biết mấy !". 
Cái câu nói thầm trong bụng đó làm tôi trằn trọc suốt đêm.

Chương 5

Thế rồi, theo như thông lệ hàng năm, sau những tuần đầu dành cho việc ổn định lớp, nhà trường phát động phong trào xây dựng đôi bạn cùng tiến, mở đầu một quá trình thi đua thật sự. 
Mỗi năm, cứ đến dịp này, lớp tôi xôn xao cả lên. Về việc chọn bạn học chung bao giờ cũng gây ra lắm tranh cãi. 
Thường thì giáo viên chủ nhiệm chia số học sinh trong lớp ra làm bốn loại trên bảng: giỏi, khá, trung bình, yếu, căn cứ vào bản xếp loại cuối năm học trước. Theo đó, cứ một học sinh giỏi đi kèm với một học sinh yếu, học sinh khá bắt cặp với học sinh trung bình. Lý thuyết thì đơn giản như vậy nhưng việc thực hiện không phải lúc nào cũng suông sẻ. Thứ nhất, không phải học sinh nào cũng đồng ý với bản xếp loại năm ngoái, mặc dù sự xếp loại này đã được ghi vào học bạ đàng hoàng. Có những đứa nhất quyết không chịu nhận mình là khá mà cứ nằng nặc đòi tụt xuống hạng trung bình để khỏi phải nhận trách nhiệm "đỡ đầu" một học sinh trung bình khác. Trở ngại thứ hai là vấn đề tình cảm. Có những đôi bạn chơi thân với nhau từ trước, bây giờ cứ muốn học chung với nhau chớ không chịu tách ra. Nhưng kẹt một nỗi, hai đứa đều là học sinh giỏi hoặc đều là học sinh yếu nên không thể để như vậy được. Bắt chúng chịu "chia tay" nhau quả không phải dễ. 
Lại có trường hợp đứa này chọn học với đứa kia nhưng đứa kia không chịu mà lại chịu đứa khác. Trong khi đứa khác đó thì lại thích một đứa khác nữa. Cái vòng lẩn quẩn, rối rắm đó lan ra theo dây chuyền và xoay vòng vòng quanh lớp khiến giáo viên chủ nhiệm phát nhức đầu. 
Nhưng rồi cuối cùng đâu cũng vô đó. Nhưng từ "đâu" mà đi đến "đó" đã xảy ra không biết bao nhiêu cãi vã, giằng co, thương tâm và vui nhộn. Trong tình trạng đó, có những đôi bạn cùng tiến chẳng tiến được một chút xíu nào. Ở trong lớp thì đứa ngồi tít bàn trên, đứa ngồi tận bàn dưới, chẳng có cơ hội trao đổi với nhau. Khi ra chơi thì đứa nào cặp kè với bạn đứa đó, mặc kệ cái đứa "cùng tiến" với mình. Về nhà thì chẳng ai với ai, một là chúng vốn chẳng chơi thân nhau, thứ nữa là nhà chúng chẳng gần nhau. Vì vậy mà suốt cả một năm học, đứa khá cứ việc khá, đứa yếu cứ việc yếu, chẳng ai làm phiền ai. 
Có lẽ thầy Dân thấy được điều đó nên năm nay lớp tôi không xây dựng đôi bạn cùng tiến theo kiểu đó nữa. Theo gợi ý của thầy, chúng tôi xây dựng đôi bạn cùng tiến ngay trong tổ học tập của mình, và lấy tổ học tập làm đơn vị thi đua. 
Như vậy, đôi bạn cùng tiến được ngồi chung bàn với nhau, có điều kiện gần gũi, trao đổi hàng ngày, thúc đẩy nhau học tập. Và ngoài việc giúp đỡ nhau cùng tiến bộ, đôi bạn này còn có trách nhiệm góp phần vào sự đi lên của tổ chứ không tách rời khỏi "số phận" của tổ như những năm trước. Do thực tế đó, trách nhiệm của tổ trưởng là phải kiểm tra kết quả học tập của những đôi bạn cùng tiến trong tổ. Trước đây, lớp phó học tập làm nhiệm vụ này. Và kết quả là, sau một thời gian theo dõi không xuể cùng một lúc trên hai mươi cặp "đôi bạn cùng tiến", lớp phó học tập đành buông xuôi luôn. 
Đúng ra thì không phải cách làm của thầy Dân hoàn toàn trôi chảy. Do cách sắp xếp chỗ ngồi "nhỏ trước lớn sau", có những tổ hầu hết là học sinh yếu, ngược lại có những tổ dồn toàn học sinh khá. Lại phải đổi chổ một lần nữa. Tuy nhiên trường hợp này không nhiều. 
Thằng Tuấn tổ trưởng tổ bốn, thình lình đứng lên nói : 
- Thưa thầy, mỗi tổ năm người, như vậy lẻ một người ạ ! 
Thầy Dân gật đầu: 
- Đúng rồi, lẻ một người ! Do đó các em phải chia một nhóm hai người, một nhóm ba người. 
Tuấn vẫn thắc mắc: 
- Thưa thầy, đã gọi "đôi bạn cùng tiến" thì phải là hai người chứ ạ ! 
- Vấn đề không phải là hai người hay ba người ! - Thầy Dân cười, giải thích - Cái chính là các em giúp đỡ nhau học tập như thế nào, hiệu quả ra sao. 
Tuấn ngồi xuống. Nhưng thằng Chí bép xép lại giơ tay đứng dậy: 
- Như vậy, chúng em gọi là "ba bạn cùng tiến" được không ạ ? 
Cái thằng thiệt là vô duyên hết chổ nói. Hỏi đâm hông kiểu đó, nếu tôi là thầy Dân thì tôi phạt nó một trận ra trò. Nhưng thầy Dân không khó tính như tôi, thầy mỉm cười vui vẻ: 
- Được thôi ! Quan trọng là chữ "cùng tiến" chứ không phải ở chữ "đôi bạn" hay "ba bạn". 
Đến đây thì không còn ai có ý kiến gì nữa. Các tổ chụm đầu sắp xếp việc nội bộ. 
Ở tổ tôi, tôi với thằng Bảy đích thị là một cặp rồi. Thầy Dân chẳng khen chúng tôi có "nề nếp" sẵn từ trước là gì ! Tôi không thể cặp với nhỏ Hiền được (mặc dù tôi cảm thấy thinh thích khi nghĩ đến điều đó), lại càng không thể cặp chung với "cậu ông trời". Học chung với nó ba bữa chắc xảy ra đánh lộn mất. Còn nhà sinh vật lưu ban kia thì ngoài mớ kiến thức về kiến, dế, nhện, thỏ... ra, chẳng có gì gọi là hấp dẫn cả. Với Bảy thì tôi kèm văn cho nó, còn nó kèm toán cho tôi, đâu đó rõ ràng. 
Cặp thứ hai là Đại với Hiền. Hai đứa nhà vốn gần nhau. Hơn nữa, nhỏ Hiền từng nhờ "cậu ông trời" giảng bài giùm nhiều lần rồi. 
Rốt cuộc, còn dư ra nhà sinh vật. Thoạt đầu, Đại và Hiền rủ Quang nhập vô nhóm mình nhưng Quang không chịu. Nó khoái học chung với Bảy và tôi hơn. Nó nể thằng Đại nhưng không "hợp" với thằng này, bởi vì Đại tính nghiêm, ít giỡn. Còn tôi với Bảy thì khỏi nói, lúc nào cũng cười giỡn đủ trò. Hơn nữa tôi là đứa hay vểnh tai nghe những câu chuyện kỳ lạ của nó một cách thích thú. Quang khoái một thính giả trung thành như tôi lắm, mặc dù thỉnh thoảng tôi thường lôi "thành tích" lưu ban của nó ra để châm chọc.
Bảy hỏi tôi: 
- Sao mày ? 
- Sao cái gì ? 
- Cho thằng Quang vô nhóm mình không ? 
Tôi nhíu mày: 
- Tao kèm văn, mày kèm toán, còn nó kèm mình môn gì ? 
Bảy gãi tai: 
- Thì nó kèm mình môn sinh vật. 
Tôi nhúng vai: 
- Sinh vật mà kèm quái gì ! Môn đó tao chỉ cần học thuộc bài thôi ! 
Bảy ngó tôi: 
- Vậy là mày không chịu hả ? 
Tôi ngần ngừ một thoáng rồi đáp: 
- Thôi, cũng được ! Để hôm nào tao nói nó dạy mình cách nuôi thỏ. 
Quang coi việc được tiếp nhận vô nhóm tôi như một hạnh phúc lớn. Nó cười toe. Như vậy là từ nay, ba đứa tôi trở thành "ba bạn cùng tiến". Khỉ thật ! Thế là vô tình tôi lại dùng cái từ do thằng Chí bép xép nghĩ ra ! 


*  *

Ngoài các tiết học ở lớp, các nhóm bạn cùng tiến phải học thêm ở nhà. Bảy đề nghị học tại nhà nó, với lý do là nó phải bán hàng và trông em cho má. 
Nhưng tôi không chịu. Tôi chỉ đồng ý về môn toán thôi. Điều đó cũng dễ hiểu. Bởi vì tôi không muốn phơi bày sự kém cỏi của mình trước cặp mắt xoi mói của thằng Tin. Nhưng về môn văn, tôi nhất quyết bắt hai đứa kia phải đến nhà tôi. 
Thằng Quang biết thân biết phận, không dám hó hé gì về việc này, cũng không dám bênh bên nào bỏ bên nào. Vả lại, đối với nó, học nhà đứa nào cũng vậy thôi. Nhà nó ở tít rạp hát Hương Bình, đạp xe tới nhà tôi hay nhà Bảy, đằng nào cũng toát mồ hôi hột. 
Chỉ có tôi và Bảy là tranh chấp quyết liệt về địa điểm. Thấy tôi không thèm "ngó ngàng" gì đến "gian hàng" và đàn em của nó, Bảy giở "bửu bối" ra: 
- Chân tao thế này ! 
Nhưng lần này tôi quyết không động lòng trước miếng đòn lợi hại của nó, tôi khịt mũi: 
- Thường ngày mày vẫn qua nhà tao mượn truyện được mà ! 
Nghe nói đến "truyện", Bảy giật mình và sực nhớ ra tôi có một miếng đòn còn hiểm ác gấp mấy lần miếng đòn của nó. Những lần cãi nhau trước đây, khi thế trận còn giằng co giữa hai bên tôi thường giáng đòn quyết định: không cho Bảy mượn truyện nữa. Đòn luôn luôn trúng đích: Bảy tối tăm mặt mũi. Và bao giờ cũng vậy, nó đầu hàng vô điều kiện. Thực ra thư viện trường tôi không thiếu sách, nhưng những loại sách đó, Bảy không màng. Nó chỉ mê loại sách giật gân mà anh tôi thường mua. Anh tôi làm việc ở nhà máy giấy trên Thủ Đức. Hai, ba tuần, có khi cả tháng, anh mới về nhà một lần. Lần nào về cũng có sách mới. Những ngày anh tôi về thăm nhà không phải ba má tôi hay anh em tôi mà chính Bảy là người sung sướng nhất. 
Vì lẽ đó, khi nghe tôi nó đến "truyện", Bảy thở dài xuôi xị : 
- Thôi, vậy cũng được ! 


*  *

Được làm "thầy" thiên hạ, tôi khoái lắm. Ngay buổi học chung đầu tiên, tôi bắt mỗi đứa phải sắm một cuốn tập để làm "sổ tay văn học". 
Quang ngơ ngác: 
- Sổ tay văn học là gì ? 
Tôi giảng giải: 
- Đó là cuốn sổ tay để ghi chép những đoạn văn hay, những bài thơ hay hoặc là những câu danh ngôn của những người nổi tiếng. Bất cứ một học sinh nào muốn giỏi văn cũng phải có cuốn sổ đó để bồi dưỡng kiến thức và rèn luyện cách hành văn. 
Tôi nói y hệt cô Thanh năm ngoái. 
Trong khi Quang đang gật gà gật gù ra vẻ tâm đắc thì Bảy bĩi môi: 
- Tưởng gì ! Cuốn sổ đó năm ngoái tao làm rồi ! 
Bảy làm tôi mất hứng. Tôi liền hất hàm: 
- Đâu ? Mày đưa tao coi ! 
Bảy chìa cuốn sổ của mình ra. 
Tôi lật coi một hồi rồi bất thình lình ôm mặt tru tréo: 
- Ối trời ơi ! Cái này mà sổ tay văn học ! 
Bảy đỏ mặt thò tay giật cuốn sổ nhưng tôi vẫn giữ chặt và giở ra đọc trước cặp mắt tò mò của thằng Quang: 
- "Tên rậm râu giữ chặt tôi. Hắn lấy khăn ăn nhét vào miệng tôi, sau đó lấy dây trói chân tay tôi lại. Tên kia trong lúc đó cúi xuống chồng tôi. Hắn lấy từ trên bàn trang điểm con dao rọc giấy của tôi và chĩa mũi nhọn vào thẳng chổ tim chồng tôi. Sau đó..." 
Tôi mới đọc tới đó thì Bảy nổi xung bặm môi giật phăng cuốn sổ. Nếu tôi không buông tay thì cuốn sổ đã rách toạt rồi. 
- Cái này tao chép từ năm ngoái kia, đâu phải năm nay. 
Bảy thanh minh, sau khi nhét cẩn thận cuốn sổ vô lưng quần. Còn thằng Quang thì ngồi cười hí hí. 
Thấy Bảy nổi cộc, tôi không dám chọc nó nữa. Ai chớ nó đã nổi cộc thì kinh lắm. Tôi lấy cuốn sổ tay văn học của tôi ra cho hai đứa coi. Đó không phải là cuốn tập thông thường mà là một cuốn sổ tay giấy ca-rô dày tới hai trăm trang, bìa có bọc xi-mi-li màu đỏ. 
Cuốn này ba tôi tặng tôi năm ngoái nhân dịp tôi lên lớp bảy. Đến nay, tôi đã chép những đoạn văn, thơ hay vào gần nửa cuốn sổ. Đó là một công trình thật sự mà không phải đứa nào trong lớp tôi cũng làm được. Đúng ra thì ở lớp các thầy co dạy văn vẫn thường khuyên chúng tôi làm sổ tay văn học nhưng để biến lời khuyên đó thành hành động lâu bền thì lại phải đòi hỏi hứng thú. Tôi phải nói rằng chính ba tôi là người đã dạy cho tôi sự say mê đọc sách và thói quen ghi chép. Trước đây có một thời ba tôi là nhà báo. Dù bây giờ ông đã chuyển sang công tác khác, cái thói quen đọc và ghi ngày xưa vẫn còn và ông hết lòng truyền lại cho tôi. Ông khuyên tôi nên đọc kỹ những sách báo nào và chỉ cách rút ra những điều cần thiết từ những trang sách. Còn những loại sách giải trí, ông không cấm tôi đọc nhưng nhắc nhở tôi đừng để mất thời giờ nhiều cho những loại đó. Vì vậy mà tôi không sa vào vết chân của anh tôi và của thằng Bảy. 
Đọc và ghi dần dần trở thành một thú vui bổ ích đối với tôi. Và dĩ nhiên là kết quả của nó không có gì đáng phàn nàn, tôi học văn ngày càng tiến. Chỉ có một điều là, những gì tôi làm được với môn văn tôi đều không làm được với những môn khác. 
Bảy và Quang tranh nhau đọc cuốn sổ của tôi. Tụi nó hít hà khi thấy những trang giấy dày đặc những chữ, dòng nào dòng nấy ngay ngắn, rõ ràng và dưới những đoạn văn đều có ghi chú cẩn thận tên tác phẩm, tác giả. 
Quang vuốt ve cái bìa, khen: 
- Đẹp quá hén ! 
Bảy thực tế hơn: 
- Mày cho tao mượn về nhà ít bữa nghen ! Tao chép vô cuốn sổ của tao. 
Lời đề nghị của Bảy khiến Quang giật mình: 
- Tao nữa chớ ! 
Trước tình huống đó, tôi đóng vai một ông anh tốt bụng: 
- Đứa nào mượn trước cũng được. Hết đứa này tới đứa kia. 
Sau khi thông qua chuyện "sổ tay văn học", ba đứa bắt tay vào chuẩn bị cho một tập làm văn ngày mai. 
Quang vừa giở tập vừa nhăn nhó : 
- Văn nghị luận là gì tao vẫn chưa hiểu. Mày giảng lại đi ! 
Cái thằng thiệt dở hết chổ nói ! Bữa nay thầy Dân đã dạy tới dàn ý của một bài phân tích tác phẩm rồi mà nó còn hỏi văn nghị luận là gì. Tôi đang phân vân thì Bảy lên tiếng: 
- Phải đó ! Mày giảng lại chỗ văn nghị luận đi ! Tao cũng lờ mờ chỗ đó lắm !

Thực ra thì hầu hết học sinh lớp tám chúng tôi đều ớn môn tập làm văn. Mới chân ướt chân ráo từ lớp bảy lên, ngay tiết học đầu tiên đã đụng đầu cái "cốp" vào văn nghị luận, đứa nào cũng bật ngửa. Bởi vì từ những năm cuối cấp một cho đến năm lớp sáu, lớp bảy, chúng tôi chỉ học những thể loại quen thuộc như miêu tả, tường thuật, thư tín... bây giờ đụng phải thứ văn nghị luận hóc búa và mới toanh, ai mà không ngán. 
Ngay sau tiết tập làm văn đầu năm, tôi cũng chưa hiểu thật rõ ràng văn nghị luận là gì. Tôi về hỏi ba tôi. Ba tôi kêu tôi và thằng Tin ngồi vào bàn. Rồi ông hỏi tôi, bằng một câu không liên quan gì đến điều mà tôi muốn biết: 
- Con thích màu gì nhất ? 
Thoạt đầu, tôi rất ngạc nhiên. Nhưng rồi sau một thoáng đắn đo, tôi trả lời: 
- Con thích màu đỏ nhất. 
Ba tôi lại quay sang Tin: 
- Còn con, con cho màu nào là đẹp nhất ? 
Tin bao giờ cũng làm trái ý tôi, nó nhanh nhẩu: 
- Màu xanh. 
- Tại sao con cho màu xanh là đẹp ? - Ba tôi hỏi tiếp. 
- Tại vì màu xanh là màu hy vọng. 
Không biết thằng Tin học của ai mà nó nói một câu nghe y như người lớn. Thực ra tôi biết sở dĩ nó khen màu xanh chỉ vì tôi thích màu đỏ. Do đó, nghe nó trả lời dương dương tự đắc, tôi nổi xung, đốp ngay, không chờ cho ba tôi hỏi: 
- Màu xanh mà đẹp quái gì ! Màu đỏ mới đẹp. Màu đỏ là màu của mặt trời, của ánh sáng. Màu đỏ là màu hoa hồng. Màu đỏ là màu cờ tổ quốc, là màu của chiến thắng. Màu đỏ tạo nên cảm giác hăng say làm việc... 
Tôi đang cao hứng thao thao bất tuyệt thì Tin chen ngang: 
- Anh mà hăng say làm việc ! Anh làm biếng thấy mồ ! 
Tôi sững người lại như đang đi vấp phải một cục đá. Ba tôi nạt Tin: 
- Con không được nói vậy ! Nếu muốn cãi nhau thì phải cãi nhau cho đàng hoàng. 
Tin rụt cổ : 
- Con có định nói vậy đâu. Tự nhiên cái miệng con nó buột ra đó chớ ! 
Ba tôi nghiêm mặt: 
- Thôi, con đừng có bào chữa ! Nào, bây giờ thì theo con anh Huy nói đúng không ? 
Tin rướn người lên: 
- Con vẫn thấy màu xanh đẹp. Đó là màu bầu trời, màu cây cối, màu biển cả, màu... màu aó... 
Tôi trố mắt: 
- Áo nào ? 
Tin khuỳnh tay ra: 
- Áo em đang mặc nè ! 
Nói xong, nó cười hí hí. 
Tôi nhăn mũi: 
- Cái áo xấu hoắc mà cũng khoe ! 
- Chớ anh tưởng áo anh đẹp lắm hả - Tin vênh mặt. 
Hai anh em tôi đang chuẩn bị lạc đề thì ba tôi liền vội vàng điều chỉnh: 
- Thôi, nói năng nghiêm túc đi ! 
Lẽ tất nhiên là cuộc tranh cãi về màu sắc giữa tôi và thằng Tin còn tiếp tục lạc đề thêm nhiều lần nữa nhưng người trọng tài là ba tôi bao giờ cũng can thiệp kịp thời. Cuối cùng thì Tin, vì không có một ý thích thực sự rõ ràng, đành công nhận là màu đỏ đẹp. Tuy nhiên, nó cố vớt vát: 
- Nhưng màu xanh cũng đẹp, đẹp cách khác. 
Hẳn nhiên nó nói vậy để "giữ uy tín" nhưng dù sao tôi cũng tìm thấy trong đó nhiều phần đúng. 
Nhưng điều quan trọng không phải ở chỗ đó. Cái chính là, sau cùng ba tôi kết luận: 
- Như vậy là con đã cố chứng minh một điều và cố làm cho người khác tin điều đó là đúng. Để thuyết phục, con đã phải vận dụng lý lẽ. Và để lý lẽ thêm vững chắc, con đã dùng những dẫn chứng. Tất cả những điều vừa rồi, trong cuộc sống hằng ngày, ta thường gọi là tranh cãi hay tranh luận. Trong nhà trường, người ta gọi là nghị luận. Tất nhiên cuộc tranh cãi giữa con và Tin chỉ là hình thức đơn giản, phương pháp không khác nhau bao nhiêu. Bây giờ con đã hiểu văn nghị luận là gì chưa ? 
Bài vỡ lòng của ba tôi thật là sáng sủa, dễ hiểu. Và đến lúc đó, tôi mới hiểu tại sao ba tôi lại bày ra trò cãi nhau giữa anh em tôi. Chính nhờ những khái niệm rõ ràng đó mà tôi tiếp thu những bài học sau một cách dễ dàng. 
Bây giờ, trước những thắc mắc của Bảy và Quang, tôi quyết định áp dụng phương pháp của ba tôi. 
Tôi hỏi Bảy: 
- Mày thích màu nào nhất ? 
Bảy ngơ ngác: 
- Tao hỏi về văn nghị luận sao mày lại nói chuyện màu mè ở đây ? 
Tôi gắt: 
- Đó là phương pháp của tao, mày đừng có thắc mắc ! Sao, trả lời lẹ đi ! Mày thích màu nào nhất ? 
Thấy "ông thầy" nổi nóng, Bảy suy nghĩ một lát rồi đáp: 
- Màu vàng. 
Tôi quay sang Quang: 
- Còn mày ? 
Quang ấp úng: 
- Cũng... màu vàng. 
Cái thằng a dua này làm tôi cụt hứng. Tôi hỏi lại, giọng nghiêm nghị: 
- Mày đừng có bắt chước thằng Bảy ! Mày nói thiệt đi. Mày thích màu gì ? 
Quang lúng túng chưa biết trả lời sao thì tôi tiếp luôn: 
- Sao, màu gì ? Màu đỏ phải không ? 
Quang gật đầu, sắp sửa rơi vào kịch bản của tôi nhưng không hiểu sao đến phút chót, nó lại đâm bướng:
- Tao thích màu vàng. 
Tôi tức muốn ói máu: 
- Thiệt không ? 
Quang khăng khăng: 
- Thiệt mà. 
- Thiệt thì thôi ! 
Tôi trả lời xụi lơ. 
Sau khi nghĩ thoáng trong đầu một đề tài mới, tôi lại hỏi Bảy: 
- Mày thích đi xe hơi hay đi xe lửa ? 
Mặc dù chưa biết phương pháp giảng dạy của tôi hay dở thế nào, nhưng lần này Bảy không ngạc nhiên nữa. Nó đáp ngay: 
- Xe lửa. 
- Còn mày ? 
Tôi hỏi Quang, cặp mắt chăm chú. 
Một lần nữa, nó lại làm tôi thất vọng: 
- Tao chưa đi xe lửa bao giờ làm sao trả lời. 
- Vậy thì mày cứ thích đi xe hơi đi ! - Tôi nóng ruột, mớm. 
Quang lắc đầu: 
- Xe hơi mà thích quái gì ! Mùi xăng hôi thấy mồ ! 
Tôi lại suy nghĩ, đầu quay như chong chóng. Vừa nghĩ tôi vừa rủa thầm thằng Quang: Trăm sự rắc rối cũng tại nhà sinh vật khỉ gió này ! Cuối cùng tôi cũng đặt được một câu hỏi khác: 
- Mày thích ăn món gì, Bảy ? 
Thấy tôi hỏi loạn xạ mà chưa động gì tới văn nghị luận, mặt Bảy hơi lộ vẻ sốt ruột. Tuy vậy, nó vẫn trả lời nghiêm chỉnh: 
- Hủ tiếu. 
Tôi liếc Quang, trống ngực đập thình thịch một cách hồi hộp. Nhưng tôi chưa kịp hỏi thì nó đã mau mắn: 
- Còn tao, tao thích ăn bún hơn. 
Tôi nghe nhẹ cả người. Đúng là, hễ dính đến ăn uống là có chuyện ngay. Về khoản này, chẳng đứa nào chịu đứa nào. Tôi đi bước thứ hai: 
- Tại sao mày thích ăn hủ tiếu ? Nêu lý do coi ! 
Bảy liếm mép, nói: 
- Bở vì trên đời không có gì ngon bằng hủ tiếu. Từng sợi hủ tiếu trắng mịn, mềm mại nằm khêu gợi trong tô hủ tiếu... Tôi chọc: 
- Chớ chẳng lẽ hủ tiếu nằm trong tô phở ? 
Bảy nguýt tôi một cái rồi tiếp tục thuyết trình về hủ tiếu: 
- Nước xúp béo ngậy, gia vị thơm tho, thịt bò viên ngọt lịm ăn với hành lá, hành cọng giá, xà lách chấm tương ớt thì không chê vô đâu được. Đó là chưa nói đến hủ tiếu gà, hủ tiếu lòng, hủ tiếu Mỹ Tho, hủ tiếu Nam Vang... 
Bảy nói tới đâu, tôi chảy nước miếng tới đó. Cái thằng ác nhơn thiệt, bảo nó nói sơ sơ nó lại tả chi tiết quá xá ! 
Nhưng thằng Quang thì không màng gì tới món bò viên của Bảy, nó trề môi: 
- Hủ tiếu mà ngon lành gì, không bằng một góc bún. Tao kể mày nghe sơ sơ mấy loại bún nè: Bún mọc, bún riêu, bún bò Huế, bún thịt nướng, bún xáo măng, bún thang... 
Sau đó, nó đi vào mô tả kỹ lưỡng từng loại, còn chi tiết gấp mấy lần thằng Bảy, để chứng minh vị trí hàng đầu của bún. 
Bảy đâu chịu để "bún" tấn công mình, nó nhún vai khinh thường: 
- Bún đâu có ăn với lòng bò được. Còn hủ tiếu lòng bò ngon hết sẩy ! 
Quang nhếch mép: 
- Nhưng hủ tiếu không có thịt nướng. Thịt nướng thơm thấy mồ ! 
- Bún không thể ăn chung với mì. Còn tao có hủ tiếu mì.

Hai đứa cứ vậy ngoác mồm cãi nhau chí chóe. Tôi làm trọng tài, vừa theo dõi cuộc tranh luận vừa nuốt nước miếng, trong lòng tự trách mình đáng lẽ không nên đụng đến cái đề tài quá sức hấp dẫn này. Đồng thời, tôi cũng lấy làm lạ khi hai đứa bài xích bún và hủ tiếu của nhau hung hăng như vậy. Gặp tôi, tôi khoái cả hai thứ, chẳng chê thứ nào. 
Thỉnh thoảng hai đứa bạn của tôi cũng lạc đề hệt như tôi với thằng Tin hôm trước. 
Quang đỏ mặt tía tai: 
- Mày chê bún sao bữa trước mày lại ăn ? 
- Ăn ở đâu ? Đừng có xạo ! 
- Ăn trong căn-tin chớ đâu ! Tao thấy rõ ràng ! 
- Còn mày, mày làm như mày không ăn hủ tiếu vậy ! Hừ ! 
Chỉ đợi có vậy, tôi đập bàn như một quan tòa: 
- Đề nghị tranh luận nghiêm túc ! 
Thế là hai đấu thủ vội vàng trấn tĩnh lại, nghỉ lấy hơi. "Lấy hơi" xong, cải hai lập tức "nhảy xổ" vào nhau, không cần đợi trọng tài ra hiệu. Bảy nhảy xổ vào "bún", khinh bỉ. Quang nhảy xổ vào "hủ tiếu" dè bỉu. 
Đến khi cả hai cãi nhau mệt muốn đứt hơi, không đủ sức xỉ vả món ăn thù địch nữa, đang ngồi thở dốc trên ghế, tôi mới bắt đầu giảng bài, giọng trịnh trọng: 
- Như vậy là các bạn đã cố chứng minh một điều và cố làm cho người khác tin điều đó là đúng. Để thuyết phục, các bạn đã phải vận dụng lý lẽ... 
Tôi nói hệt những điều ba tôi đã nói với tôi.

Nghe tôi "giảng" xong, Bảy và Quang phục "phương pháp của tôi" sát đất. Bởi vì, mặc dù sau khi tranh cãi chúng vẫn chưa xác định được giữa bún và hủ tiếu thứ nào ngon hơn thứ nào, nhưng chúng đã có một khái niệm rõ ràng về thứ văn nghị luận hiểm hóc. 
Buổi học chung đầu tiên kết thúc một cách tốt đẹp. Hai đứa bạn tôi ra về phấn khởi. Bảy không quên cầm theo cuốn sổ tay văn học của tôi. 
Còn tôi, sau khi tiễn hai "học trò" ra về liền liếm mép một cái và chạy ngay xuống nhà dưới tìm má tôi, nằn nì: 
- Má ơi, ngày mai nhà mình làm bún hoặc hủ tiếu ăn nghen má ? 
Má tôi gật đầu làm tôi sung sướng vô kể. Nhưng điều mà tôi sung sướng nhất ngày hôm đó là sự vắng mặt của thằng Tin. 
Nếu nó ở nhà, thế nào nó cũng "kê" tôi: 
- Phần nói về văn nghị luận, anh học lỏm của ba ! Lêu lêu !


Đọc tiếp: [Phần 3] Bàn Có 5 Chỗ Ngồi

Home » Truyện » Truyện Teen » Bàn Có 5 Chỗ Ngồi
Powered by 15giay
Copyright © 2014, Minh Hằng
skyhome - sms valentine - loi chuc valentine hay nhat, Tin nhan chuc Valentine 2014