Duck hunt

Đèn led 


15giay.mobi

Đọc Truyện Online

Tuyển Chọn Tiểu Thuyết, Tình Cảm Hay Nhất

SMS chúc mừng năm mới 2014, Lời chúc năm mới 2014, Tin Nhắn Chúc Mừng Năm Mới 2014, SMS Chúc Tết 2014

Ads

Khí phách anh hùng
Khí phách anh hùng
Cốt truyện Việt, và đắm mình trong tích xưa, cùng tham gia các trận đấu lịch sử.
Tải miễn phí »
SMS Kute Chúc Tết 2014 + Lời Chúc Năm mới
2014 một năm mới sắp đến hãy giành cho những người thân yêu nhất bên cạnh mình những lời chúc đầy ý nghĩa.

Một tháng sau, ông Hồng Phát lại trở lên trang trại. Nhưng thay vì được những người thiểu số ở vùng núi đưa vượt rừng vượt thác, thì lần này ông Hồng Phát phải vô cùng khổ sở mò mẫm đi một mình đến gần nửa đoạn đường. Nguyên là bởi chẳng làm sao tìm được bóng dáng ai để mà nhờ. Tìm đến nhà cửa họ thì vắng tanh, kể cả nương rẫy của họ cũng không có người, kể cả người già và trẻ con cũng đi đâu mất cả. 
Phải đến khi trời đứng bóng, lúc mà đôi chân ông Hồng Phát đã rã rời và đầy vết trầy xước thì ông mới gặp được một già làng. Người này đã khá quen mặt, những lần trước đã từng đưa cha con ông Hồng Phát vào trang trại. Hỏi về sự vắng mặt khó hiểu của mọi người ở phía ngoài kia, già A Dúp giọng đầy lo lắng: 
- Họ đã bỏ làng chỉ bởi... sợ ma! 
Thấy chuyện lạ ông Hồng Phát hỏi tới: 
- Có chuyện như vậy sao? 
Già Dúp kể: 
- Cách đây gần nửa lần trăng tròn thì xảy ra chuyện hai thanh niên đi săn đã bị chết giữa rừng, mà người nào cũng bị moi ruột gan ra! 
- Ai đã làm chuyện đó? 
Già Dúp đưa hai tay lên trời: 
- Chỉ có Giàng mới biết. 
- Mấy con ma đó ở đâu mà ra? Sao mấy lần trước tôi lên lại không nghe nói. 
Nhìn vào ông Hồng Phát với vẻ hơi lạ và mãi một lúc già Dúp mới nói tiếp: 
- Nó ở chỗ mấy thằng con của ông! 
- Cái gì? Tại sao là các con tôi? 
Gà Dúp móc trong lưng ra một chiếc lắc đeo tay bằng bạc có khắc mấy chữ Thanh - Dương - Ngọc và nói: 
- Có phải của con ông không? 
Cầm vật chứng trên tay, ông Hồng Phát gật đầu xác nhận: 
- Đúng là của con tôi rồi. Cả ba đứa, mỗi đứa đều đeo chiếc lắc giống như vầy từ nhỏ. Nhưng ông lấy ở đâu ra? 
Kéo ông Phát tới một gốc cây to, già Dúp chỉ về phía trước và nói: 
- Đêm nào người làng tôi cũng nhìn thấy ba cái bóng trắng xõa tóc dài chạy lướt trên mặt cỏ từ trong trại của ông ra ngoài. Chúng đi vào các làng của chúng tôi và phá phách. Hễ đàn ông nào vô phước đi ra ngoài thì đều gặp nguy. Chính tôi đã liều bám theo chúng mấy đêm liền... cho đến cái đêm mà hai thằng con trai nhà bà Hơnen bị hại thì tôi nhặt được chiếc vòng này bỏ lại chỗ đó. 
Không thể tin được những điều vừa nghe, ông Phát xua tay: 
- Không thể nào như thế. Các con tôi ở với nhau, làm gì có con gái nào vô đó? Hay là ma rừng ma xó gì đó trong bản làng của các ông? 
Già Dúp giận dữ: 
- Ma của người chúng tôi không ác độc như vậy! Và ma của chúng tôi không mặc đồ trắng, xõa tóc dài như ma của người Kinh các ông. 
Nghĩ nếu có hỏi thêm chỉ rối trí, ông Hồng Phát nhờ già Dúp đưa mình vào trang tại. Nhưng già Dúp chỉ hứa: 
- Tôi chỉ đưa ông vô tới đầu thung lũng thôi, tôi không vô trang trại ông nữa. 
Mặt trời hơi ngả về Tây thì họ tới nơi. Ông Phát một mình vô trang trại và cũng hơi ngạc nhiên bởi sự vắng lặng khác thường nơi đây. Thấy cửa nhà của Thanh và Dương đều khóa chặt ông đi sang nhà sàn của Ngọc thì cũng thấy cửa đóng, tuy không khóa ngoài nhưng dường như không có Ngọc ở nhà. 
Ông cất tiếng gọi đến lần thứ ba vẫn không nghe trả lời, nghĩ có lẽ các con ông đã ra rừng nên ông Phát bước tháo lui. Chợt có một thứ âm thanh nghe là lạ phát ra từ trong nhà. Giống giọng của Ngọc? 
Hoảng hốt, ông Phát bước lên thang chạy tới đẩy cửa vào. Trước mắt ông một cảnh tượng hãi hùng: Ngọc nằm trên sàn nhà, người trần truồng, còn trên cổ thì hai dòng máu chảy ra đã đông đặc lại. 
Đưa tay sờ mũi thấy Ngọc vẫn còn thở. Ông Phát hét to lên: 
- Thanh ơi! Dương ơi! Sang đây. 
Mặc cho ông kêu gào, chẳng thấy bóng dáng Thanh, Dương đâu. Linh tính điều không lành. Ông Phát chạy sang tông cửa phòng họ và một lần nữa ông kinh hãi khi thấy cả hai nằm thiêm thiếp trên gường, người gầy rạc. 
Phải mất cả giờ gào thét khản cả cổ, cuối cùng ông Phát mới thấy già Dúp xuất hiện cùng một số dân bản. Già Dúp nhìn ba chàng trai trong tình trạng đó, đã có nhận xét: 
- Họ bị ma quỷ hại rồi. Đích thị là ba cái bóng ma áo trắng đó chứ chẳng ai vô đây. 
Nhìn kỹ trên gối ở cả ba phòng ngủ của ba chàng trai đều còn vương lại nhiều sợi tóc phụ nữ dài và đen. Nhưng khi đưa lên mũi ngửi thì già Dúp cảm thấy mùi tanh rất khó chịu. Ông già kêu lên: 
- Mùi này giống như mùi xác chết! 
Ông Hồng Phát cũng có cảm nhận như vậy. Nhưng vì quá lo cho sự an nguy của các con nên ông giục mọi người: 
- Kệ những sợi tóc đi, hãy giúp tôi đưa các con tôi đi cứu chữa giùm, tôi lạy các ông. 
Già Dúp tỏ ra khá rành chuyện tà ma, ông nói: 
- Bị chuyện này có chở đi nhà thương cũng vô ích. Để tôi chữa cho. 
Ông đích thân đi ra rừng, hơn nửa giờ sau trở vô với một nhúm cỏ và nắm lá trên tay. Ông bảo mọi người: 
- Trong lúc tôi đổ thuốc cho họ thì ai đó hãy giúp tôi nấu ba con gà, lấy nước cất cho họ uống khi tỉnh lại. 
Phương pháp chữa bệnh ấy tỏ ra có hiệu quả. Khoảng vài giờ sau thì cả ba đều tỉnh lại. Trong số đó có Ngọc là yếu hơn và tỏ ra vẫn còn kinh hoàng khi nhìn thấy mọi người. Anh kêu thét lên từng chặp: 
- Đừng! Đừng hút máu tôi! 
Riêng Thanh và Dương thì cứ mở mắt ra rồi lại nhắm nghiền lại, ai thính tai lắm thì mới nghe họ gọi rất khẽ trong miệng: 
- Đừng đi, Thu Nga. Đừng đi... 
- Diệu Anh, anh muốn chết cùng em, chờ anh với! 
Ông Hồng Phát cũng muốn phát điên với ba đứa con của mình. Ông bất lực nhìn họ như nửa sống nửa chết, như điên như dại mà thở dài... 
Già Dúp và đám dân bản lần lượt ra về. Trước khi đi già Dúp còn nói với lại: 
- Nơi này không ở được đâu, hãy đốt trại mà đi đi! 
Không trả lời, nhưng trong ý nghĩ của ông Hồng Phát cũng đã tính tới điều tương tự như vậy... 

Trên đường lên Đà Lạt, không lần nào Thái gặp rắc rối như lần này chuyến xe đò anh đi đang chạy bon bon từ Sài Gòn lên một cách ngon lành, bỗng dở chứng khi lên đến giữa đèo Bảo Lộc. Chính bác tài xế cũng ngạc nhiên càu nhàu: 
- Chiếc xe mới làm lại máy, nó chạy hai chuyến rồi đâu có triệu chứng hư hỏng gì... 
Bác tài xuống xe, dở nắp capô kiểm tra máy thấy không có gì bất thường, lại leo lên xe nổ máy thử. Xe nổ máy ngon lành! Lúc đó Thái và hành khách đang xuống nghỉ chân, được kêu gọi trở lên xe đi tiếp. Thái bước lên sau cùng... 
Tuy nhiên điều lạ đã xảy ra: lúc Thái vừa lên xe thì máy đang nổ bỗng tắt. Bác tài đề lại thì vẫn không chạy. Lại yêu cầu xuống xe tránh cho xe tuột dốc và Thái là khách đầu tiên bước xuống. Lạ thay khi Thái vừa đặt chân xuống đất thì tự nhiên máy xe lại nổ! Thái bực dọc bước trở lên và... máy xe lại trở chứng! 
Việc này lặp lại đến lần thứ tư. Đến Thái cũng ngạc nhiên, anh thử không lên xe lần sau cùng và bảo tài xế. 
- Anh thử tắt máy rồi đề lại xem sao? 
Tắt, mở máy một cách dễ dàng như chẳng có gì xảy ra. Nhưng hễ Thái bước lên là máy lại cứ ì ra đó, làm cách nào cũng không hoạt động. Cuối cùng một vị khách lớn tuổi phải có ý kiến: 
- Hình như cậu này quá nặng bóng vía! 
Một người khác cũng góp vào: 
- Thường mấy người nặng vía đi xe hay gặp trục trặc lắm. 
Thái phát cáu lên: 
- Làm sao biết nặng hay nhẹ? Tôi đi xe cũng trả tiền như mọi người và đã đi hơn chục năm nay trên con đường này mà có gặp gì đâu? 
Đến lần thứ sáu vẫn còn rắc rối, đợi đến khi Thái bước xuống xe, bác tài xế phải lên tiếng năn nỉ Thái: 
- Cậu làm ơn giúp mọi người đi về nhà sớm. Tôi trả tiền xe lại cho cậu, lát nữa còn mấy chuyến xe nữa lên cậu đi giùm… 
Một hành khách ngồi gần Thái đã chủ động chuyển chiếc túi xách của anh xuống như một thái độ dứt khoát đuổi vị hành khách xúi quẩy xuống cho rồi!
Dù muốn phản đối, nhưng trước tình thế đó Thái đành phải chấp nhận, Anh ngán ngẫm đứng một lúc rồi lê bước từ từ lên đỉnh đèo, hy vọng đón được chuyến xe khác để về nhà nghỉ ngơi. 
Đi chưa được trăm mét bỗng một cơn mưa như trút nước đổ xuống. Mưa trên vùng cao là vậy, chợt đến không đoán trước được. 
Nhìn quanh tìm một nơi khả dĩ có thể đứng trú mưa, chợt Thái nhìn lên phía núi và thấy một cái miếu. Không chút lưỡng lự, Thái cố leo lên các bậc đá thật nhanh để lên đó. Anh nghĩ, dù sao vẫn tốt hơn đứng chịu trận giữa đèo trơ trọi như thế này. 
Lên đến nơi thì đôi chân Thái đã mỏi nhừ, anh thấy cửa miếu không đóng nên bước luôn vào. Bên trong tối om, thoạt nhìn không thấy gì... 
Mùi ẩm mốc xông lên mũi đến khó chịu, nhưng Thái vẫn cố chịu, bởi giờ phút này ngoài nơi đây thì không còn nơi nào khác để trú mưa. 
Ngồi khoảng mười lăm phút thì mắt đã quen với bóng tối. Thái đảo mắt một lượt. Không có bệ thờ, cũng không tượng hay bất cứ vật gì thường thấy của một ngôi miếu. Ngoại trừ... 
Thái chú ý đến mấy vật gì đó như túi xách đang đặt dưới sàn còn ngổn ngang. 
- Như vậy là có người ở? 
Sẵn bao diêm trong túi, Thái vừa bật lên vừa lên tiếng: 
- Có ai trong miếu không, tôi xin tá túc... 
Chẳng có ai đáp. Khi đó Thái đã nhìn rõ có ba chiếc túi xách và một bao căng đầy những vật gì đó bên trong... 
Đưa tay chạm vào thì thấy bụi đã bám, chứng tỏ chúng đã được để ở đó khá lâu. 
Chợt anh kêu lên: 
- Cái này... 
Một trong ba túi xách gây sự chú ý của Thái. Anh bước tới cầm lên và thấy rõ cái thẻ nhỏ ghi mấy chữ Thiên Hương trên đó. 
- Của Thiên Hương! 
Thái không thể lầm được, chính anh cùng Hương đã đi mua chiếc túi này tại chợ Đà Lạt khi Thiên Hương còn học nội trú trên đó. Đánh bạo mở túi ra, rõ ràng đều là quần áo của Hương. Thái kêu lên thảng thốt: 
- Thiên Hương, em ở đây mà! Hương ơi! 
Trời đang mưa, sấm rền vậy mà tiếng gọi to của Thái vẫn vang ra bên ngoài. Anh gọi đến hơn mười lần đến khàn cả cổ mà vẫn chẳng ai đáp lại. Thái như điên cuồng thoát chạy ra ngoài bất chấp gió mưa. Vừa chạy vừa gào thét, gọi tên Thiên Hương. Như anh đã gọi trong tuyệt vọng từ sáu tháng trước, khi hay tin Hương mất tích. 
Cho đến khi cơn mưa dần tạnh thì Thái cũng lả người đi, anh quỵ ngã ngay trước cửa miếu.

Chuyến xe chót lên Đà Lạt vù chạy, bỏ lại hai hành khách vừa mới xuống xe trước đó mười lăm phút khi xe bị hỏng máy. 
Tuấn bực tức nói: 
- Họ đổ thừa tại mình mà xe chết máy trên đèo và lợi dụng lúc mình đi vệ sinh đã bỏ chạy, quân khốn kiếp! 
Phú bình tĩnh hơn, chỉ chép miệng than: 
- Từ đây về tới thị trấn Bảo Lộc cũng mất cả năm bảy cây số, biết đi làm sao đây? 
Tuấn vẫn còn ấm ức vì bị vu cho là người nặng bóng vía, anh đấm đấm tay lên trời: 
- Xe họ hư máy là tại xe cũ, chứ sao lại đổ thừa mình chứ! 
Phú nhớ lại và bất giác nói: 
- Mà kể cũng lạ thật, tại sao mỗi lần hai người mình bước lên xe thì máy lại không nổ nữa. Hễ mình bước xuống thì máy lại nổ? Họ đã thử đến hơn chục lần chứ bộ... Anh có thấy kỳ không anh Tuấn? 
- Ờ thì cũng kỳ... nhưng mình không tin chuyện dị đoan bậy bạ đó. 
Phú cười như mếu: 
- Nhưng cánh tài xế họ tin và cả các hành khách họ cũng nghĩ như vậy mới chết mình! 
Tuấn nhìn đồng hồ tay và càng lo thêm: 
- Đã hơn năm giờ rồi, làm sao về Đà Lạt đây? Thái chờ trên đó chắc là lo lắm đây, mình đã hẹn Thái chắc chắn là bọn mình sẽ cùng gặp ở nhà Thủy Tạ mà... 
Nghe nhắc đến Thái. Phú hỏi: 
- Mình chưa biết mặt Thái, nhưng nghe anh Tuấn nói thì Thái tội Iắm phải không? 
Tuấn thở dài: 
- Kề từ khi Thiên Hương mất tích cùng với Vân Hạnh và Thu Hà, thì Thái gần như điên như dại, bỏ cả học hành, cứ đi lang thang khắp chốn để tìm. Mình và cậu tuy cũng đau khổ nhưng vẫn còn bình tĩnh hơn nó... 
Phú nghe nhói trong tim khi nghe Tuấn nhắc lại chuyện đau lòng. Anh cúi gầm mặt không nói gì... mãi hồi lâu anh mới bảo Tuấn: 
- Cám ơn anh Tuấn đã lặn lội lên tận vườn trà cho em hay chuyện Vân Hạnh. Nếu không chắc là còn lâu lắm, em vẫn đinh ninh Hạnh vẫn còn ở nhà. 
Tuy cơn mưa vừa ngớt nhưng gió vẫn thổi mạnh và lạnh hơn. Phú có kinh nghiệm sống ở vùng này hơn, nên bảo: 
- Trời này sẽ còn mưa nữa đây, mà mưa lớn nữa. Mình liệu mà tìm chỗ trú mưa, kẻo... 
Chợt Phú kêu lên: 
- Ở trên kia có cái gì giống như nhà! 
Tuấn nhìn theo thì cũng nhận ra lờ mờ một ngôi miếu, anh chán nản: 
- Chỉ là một ngôi miếu hoang, mình từng nhìn thấy mỗi lần đi qua đây. 
Nhưng Phú vẫn tỏ ra quan tâm: 
- Một ngôi miếu lúc này có vẫn hơn không. Mình lên đó trú mưa đi. Tuấn không hề muốn, nhưng lúc này chẳng còn cách nào hơn nên sau vài giây do dự, anh gật đầu: 
- Được rồi, mình cứ lên trên đó khi nào nhìn thấy có ánh đèn xe đi lên thì mình chạy xuống chặn họ lại quá giang. 
Trời không còn sáng nữa, nên việc leo lên dốc có hơi vất vả. Phải hơn năm phút sau họ mới lên tới gần ngôi miếu, Tuấn đi trước, chợt anh khựng lại nhìn thấy có vật gì đó trước cửa miếu, anh kêu lên: 
- Có người kìa! 
Rõ ràng có người nằm sóng soài trước cửa miếu. Phú nhanh chân hơn, bước tới cúi xuống và reo lên: 
- Anh ta còn thở anh Tuấn ơi! 
Tuấn bước đến sát hơn và lần này đến lượt anh kêu lên: 
- Thái đây mà! 
Họ đỡ Thái vô trong miếu. Bật diêm sáng lên, soi rõ mọi vật. Tuấn không kiềm chế được xúc động khi nhìn thấy chiếc túi xách màu đỏ: 
- Đây là... 
Anh lao tới mở vội túi xách ra và nhận từng món trong đó. Tất cả là của Thu Hà. Đúng là của Thu Hà rồi! 
Phú cũng lấy chiếc túi xách màu đen còn lại, vừa mở ra thì chính Tuấn hét lên: 
- Cái đó là của Vân Hạnh! 
Vừa lúc đó Thái cũng vừa tỉnh lại. Anh vô cùng ngạc nhiên khi thấy hai người. 
- Sao lại... 
Tuấn mừng lắm: 
- Cậu đã tìm gặp họ rồi phải không? 
Thái ngơ ngác: 
- Gặp ai? 
- Thiên Hương, Vân Hạnh, Thu Hà. 
Thái nhìn sang những chiếc túi xách và bất giác kêu to: 
- Thiên Hương! 
Niềm hy vọng vừa lóe lên trong Tuấn và Phú đã tắt lịm sau khi Thái kể chuyện đã chạy tìm khắp nơi mà chẳng có tăm hơi gì. 
Tuấn nhìn bụi bặm bám bên ngoài các túi xách, anh càng thất vọng hơn: 
- Họ đã ở đây khá lâu rồi,cứ nhìn bụi bặm thì biết. 
Phú lục lọi túi thức ăn và xác nhận điều đó: 
- Thức ăn đã hư thối từ lâu rồi, chứng tỏ họ chưa ăn đã... 
Thái không dám tin vào sự thật: 
- Nhưng họ để đồ đạc ở đây rồi đi đâu? Họ là con gái thì đi đâu xa được. 
Tuấn cũng nói: 
- Khi đi Vân Hạnh lái xe. Vậy để xe ở đâu mà lại lên đây? Hay là... 
Mấy lời nói của Tuấn đã làm cho Thái và Phú sững sờ. Họ nhìn nhau không nói gì nhưng hình như đều có chung một ý nghĩ... 
Tuấn kéo tay hai bạn: 
- Đi! Ta xuống dưới kia! 
Họ lao xuống đường rất nhanh. Tuấn vẫn là người dẫn đường, anh giục: 
- Hồi nãy trước khi lên đây tôi nhìn thấy một chiếc xe bỏ nằm bên vách núi, ta tới đó xem. 
Đường đèo dốc quanh co, lại tối thăm thẳm, vậy mà ba chàng trai vẫn băng băng lao đi. Khoảng hai mươi phút sau thì tới chỗ chiếc xe. Họ thất vọng ngay, bởi đó là một chiếc xe tải nhẹ cũ. 
Quá thất vọng, họ đều ngồi bệt xuống cạnh chiếc xe. Lát sau có ánh đèn pha từ dưới dốc quét lên. Rồi một chiếc xe tải nặng chạy lên khá chậm. Khi nhận ra có người bên cạnh chiếc xe chết máy, tài xế hỏi với xuống: 
- Xe “ban” hả? Có cần giúp đỡ gì không? 
Tuấn nhanh miệng: 
- Không phải xe của chúng tôi. Tôi muốn hỏi, gần đây anh có thấy chiếc xe du lịch nào bỏ lại đây không? 
Một chị đi buôn ngồi bên cạnh tài xế vọt miệng nói: 
- Không có xe nào bỏ lại, chỉ có một chiếc lọt xuống vực này mà thôi. Nhưng lâu lắm rồi... 
Cả ba chàng đều lao ra bám cửa xe, hỏi dồn: 
- Chị nói rõ hơn được không. Tai nạn thế nào? 
Chị kia giục tài xế: 
- Tới chỗ bằng phẳng kia dừng lại một chút. 
Chị ta thuộc loại người lắm điều thích huyên thuyên chuyện thiên hạ, nên đây là dịp để trổ tài: 
- Tui đi buôn bán qua lại con đường này thường ngày nên chyện gì xảy ra tôi cũng biết. Chuyện chiếc xe lao xuống vực đó ít người biết lắm, chỉ có tôi đã vô tình nghe được một người dân thiểu số dưới thung lũng bên dưới đèo kể lại. Họ thấy chiếc xe lao xuống và nhiều người rơi ra. 
Thấy ba chàng trai đang lo lắng tội nghiệp, nên bác tài xế đề nghị: 
- Các cậu leo lên xe, tui đưa giúp về Đà Lạt rồi tính sau. Chuyện của bà này kể đâu đã xác thực gì. 
Cả ba đều buông tay cùng lúc không bám cửa xe nửa. 
Phú khoát tay: 
- Cám ơn, anh đi đi, tụi tui ở lại có chút việc. 
Bác tài cảnh giác: 
- Trời này mà ở lại trên đèo là nguy hiểm lắm đó nghen. 
Mặc cho lời cảnh báo, cả ba vẫn thẫn thờ đứng trơ trọi giữa đêm đen với nỗi lòng nặng trĩu... 

Họ tìm cách xuống thung lũng. Phú là người mở đường bởi anh là người sống ở vùng rừng núi lâu năm. Đầu tiên họ theo hướng phía gần chân đèo đi ngược lên. Đây là con đường xa và nguy hiểm, nhưng chẳng còn cách nào hơn, bởi bấy giờ đang là mùa mưa, nước ở các dòng suối dâng cao và luôn gây nguy hiểm cho người vượt qua nó. 
Cũng may cho họ, vừa rời khỏi chân đèo một quãng hơn cây số họ đã gặp một người dân địa phương. Anh ta là người thiểu số nói được tiếng Kinh nên sau khi nghe Phú hỏi về tung tích những chiếc xe bị rơi, anh ta chỉ tay về phía trước: 
- Cách đây hơn năm cây số ở đó thường có tai nạn rơi xe. Người ở thung lũng đều tránh xa không dám dựng nhà nơi ấy... 
Có người dẫn đường nên việc đi đứng của ba người đỡ nguy hiểm hơn. 
Trong số họ có Thái là tỏ ra suy sụp hơn cả. Từ lúc tỉnh dậy đến giờ lúc nào Thái cũng luôn miệng gọi Thiên Hương và đi đứng cứ như người mộng du. Tuấn phải nhắc nhở: 
- Cậu như thế thì làm sao đi tìm kiếm cho được. Dù sao cũng đã đến nước này rồi, phải dũng cảm đương đầu với thực tế chứ... 
Tuy mạnh miệng nói với Thái như vậy nhưng trong lòng Tuấn tan nát, rối bời không hơn gì bạn. Tình yêu đối với Thu Hà đã làm cho Tuấn sống mà như chết suốt gần sáu tháng qua. Anh đã bỏ cả suất đi Pháp du học theo lệnh cha mẹ và bỏ nhà đi tìm Vân Hạnh và Thu Hà ở khắp mọi nơi. Anh đã từng lên Đà Lạt mấy lần và do đó mới gặp được Thái và nảy ra ý nghĩ tìm Phú để cùng đi tìm những người họ yêu thương. 
Chỉ có Phú là lúc nào cũng im lìm luôn giấu tình cảm của mình, dù trong lòng anh cũng chẳng khác gì hai bạn cùng cảnh ngộ. Nhất là lúc anh bị ông bà Nguyễn Đình làm áp lực buộc anh phải chấp nhận lưu đày lên đồn điền trà, nơi mà sự khắc nghiệt không thua gì thung lũng dưới vực sâu này. Anh đã chịu đựng sự chia lìa với Vân Hạnh đến hơn sáu tháng, nhưng luôn tin tưởng rằng người yêu anh sẽ chờ đợi và cuối cùng sẽ được tái hợp cùng nhau. 
Người dẫn đường đưa họ vượt qua một thác nước nhỏ, men theo con suối nước chảy siết đưa về phía gần chân đỉnh đèo, anh ta bảo: 
- Ở đoạn đó xe thường xuyên rơi xuống, có lúc có xác người trôi về phía này, người làng vớt được và đem chôn ở chỗ kia. 
Anh ta chỉ về một đồi thấp, nơi có hơn chục ngôi mộ cỏ đã mọc xanh rì. Phú sốt ruột hỏi: 
- Làm cách nào đi về phía đó nhanh hơn? 
Người dẫn đường xua tay: 
- Nơi đó không tới được đâu. Xe trên đèo lúc nào cũng có thể rơi xuống đầu các anh. 
Tuấn cương quyết: 
- Anh cứ đưa chúng tôi tới gần nơi đó, rồi chúng tôi sẽ tự đi. 
Khoảng một giờ sau họ tới giữa con suối, ngước nhìn lên trên thăm thẳm, Tuấn bất giác than: 
- Như thế này mà xe rơi xuống làm sao sống nổi! 
Cả ba người đều không ai bảo ai, đã lặng người mấy mươi giây. Thái, người yếu đuối hơn cả, nắm lấy tay Tuấn giọng run run hỏi: 
- Làm sao bây giờ anh Tuấn? 
Tuấn chưa biết tìm lời gì để an ủi, chỉ nghe Phú kêu lên: 
- Có một chiếc xe trong hốc đá đằng kia! 
Theo hướng tay của Phú, Tuấn nhìn theo và hốt hoảng: 
- Xe đó là xe của Vân Hạnh! 
Chiếc Simca 9 sơn hai màu xanh và đen nổi bật giữa hốc đá, cả bảng số xe nữa, đứng cách hơn năm mươi thước vẫn nhìn rõ. Tuấn chẳng ngại chướng ngại phía trước, vạch cỏ gai bước nhanh về phía chiếc xe. Lại gần mới nhận ra phần đầu xe đã bị giập nát, các cửa xe đều bung ra, nhưng phần đuôi xe thì vẫn nguyên vẹn. 
Cả ba người trong trạng thái lo sợ, bước từng bước đến bên xe đưa mắt nhìn vào trong... Trong xe chẳng hề có ai, dù là một bộ xương người. 
Thái đã khóc ngất từ nãy, anh vịn vào vai Tuấn như nhờ sự tiếp sức, miệng thì lẩm bẩm: 
- Thiên Hương có thể còn sống không, anh Tuấn? 
Phú tỏ ra rành hơn: 
- Thường những người ngồi trong xe rơi xuống vực đều bị bắn tung ra ngoài. Ta hãy tìm chung quanh đây... 
Một cuộc lùng sục cật lực cho đến lúc trời xế trưa vẫn chưa thấy gì. Hơi nản lòng, Tuấn đề nghị: 
- Chúng ta vào trong bản kia nghỉ trưa, chiều tìm tiếp. 
Thái chưa muốn đi khiến Tuấn phải nhắc lại lần nữa: 
- Họ đã rơi xuống đây sáu tháng rồi, có tìm gặp cũng chỉ là... 
Tuấn bỏ lửng câu nói, cả ba cùng đi về phía làng. Người dẫn đường còn chờ họ trên đồi, anh ta chỉ về phía một trang trại lớn: 
- Muốn nghỉ ngơi thì vô trang trại bỏ hoang kia kìa. 
- Trang trại sao lại bỏ hoang? 
Phú hỏi. Anh dẫn đường nói rõ: 
- Đây là trang trại của một ông từ Sài Gòn lên lập cho ba người con trai. Nhưng họ chỉ ở được ba bốn tháng thì suýt bỏ mạng... 
Tuấn ngạc nhiên: 
- Sao vậy? 
- Họ bị ma bắt hồn! 
Cả ba bị cuốn hút vào câu chuyện ma. Khi anh ta kể đến việc có ba con ma nữ thì Thái là người nhạy cảm hơn cả, đã kêu lên: 
- Thiên Hương không thể là ma được! 
- Nhưng có ai bảo Thiên Hương là ma bao giờ? - Tuấn bảo. 
Tuy nhiên càng nghe người dẫn đường kể thì chính Tuấn cũng thấy giống những người yêu của họ. Cho đến khi được đưa lên ngôi nhà sàn thì chính Thái đã reo lên khi nhìn thấy chiếc lược cài tóc nằm trên giường: 
- Cái này là của Thiên Hương! 
Chính Thái đã mua tặng Hương chiếc lược màu tím có hình con bướm vàng với hai chữ TH lồng vào nhau. 
Đúng là Thiên Hương từng sống ở đây? Cô ấy còn ở đây! Thái chạy khắp trong ngoài nhà lùng sục, vừa kêu to: 
- Thiên Hương! Hương ơi. 
Anh chàng dẫn đường lắc đầu: 
- Anh ta điên rồi! Chính cô gái ma từng vào căn nhà sàn này và làm cho con trai út ông chủ trang trại gần mất mạng, sao lại là người yêu của anh chàng này! 
Ở những căn phòng khác. Tuấn và Thái đều tìm gặp những vật dụng của Thu Hà và Vân Hạnh. Cầm trên tay chiếc khăn quàng cổ màu hồng nhạt mà khi lên đồn điền. Hạnh đã choàng cũng như đã từng quàng cho Phú lúc Phú bệnh. Ở một góc khăn còn hằn rõ hai chữ VH do chính tay Phú ghi. 
Tuấn thì nhặt được một chiếc đồng hồ đeo tay để trên bàn viết của một căn phòng. Chiếc đồng hồ đó là quà tặng của anh cho Thu Hà lúc hai người quen nhau được một tháng nhân lần Tuấn đưa người yêu đi chèo ghe ở Phú Định. 
Người dẫn đường kể đầy đủ chuyện ba con ma nữ hại ba đứa con trai chủ trang trại Hồng Phát. Câu chuyện ông kể làm Tuấn, Phú và Thái nghe lạnh cả người...


Đọc tiếp: [Phần 4] Miếu Ba Cô Chuyện Không Kể Lúc Nửa Đêm

Home » Truyện » Truyện Ma » Miếu Ba Cô Chuyện Không Kể Lúc Nửa Đêm
Powered by 15giay
Copyright © 2014, Minh Hằng
skyhome - sms valentine - loi chuc valentine hay nhat, Tin nhan chuc Valentine 2014