Lamborghini Huracán LP 610-4 t

Đèn led 


15giay.mobi

Đọc Truyện Online

Tuyển Chọn Tiểu Thuyết, Tình Cảm Hay Nhất

SMS chúc mừng năm mới 2014, Lời chúc năm mới 2014, Tin Nhắn Chúc Mừng Năm Mới 2014, SMS Chúc Tết 2014

Ads

Mobi Army
Mobi Army
Game bắn súng đối kháng theo lượt, quen thuộc, thuộc dòng kinh điển, ấn tượng với Gamer
Chi tiết »
SMS Kute Chúc Tết 2014 + Lời Chúc Năm mới
2014 một năm mới sắp đến hãy giành cho những người thân yêu nhất bên cạnh mình những lời chúc đầy ý nghĩa.

Đường còn dài, còn dài - p1


Buổi chiều hôm đó, mọi thứ vẫn diễn ra bình thường như cuộc đời này vốn thế. Từ những ô cửa của trường Đại học, tiếng giảng bài văng vẳng vọng ra, hòa quyện vào nhau tạo thành một chuỗi âm thanh huyên náo, xa cách làm N chóng mặt. Từ trên tầng bốn nhìn xuống, sân trường giữa giờ trơ vắng như một vùng đất kì dị, thi thoảng có vài đứa sinh viên cúp tiết lơ láo đi qua.

Mớ tập bài vừa photo giờ nằm trên tay N nặng trịch. Hắn vứt nó vào thùng rác ở cuối dãy hành lang. Với hai bàn tay buông thõng, N đi bộ xuống bốn tầng lầu, cẩn thận, bình tĩnh giẫm xuống mỗi bậc thang, cảm giác chẳng bao giờ bàn chân mình có thể gặp lại chúng nữa.

Những chuyến xe bus nối đuôi nhau chạy hết một vòng

Tôi bắt xe buýt S09 lên Hồ Con Rùa, rồi đi bộ ra một con hẻm nhỏ bán cà phê cóc gần đó. Chuyến xe buýt cuối cùng của đời sinh viên không đặc biệt như tôi tưởng tượng. Radio vẫn mở oang oang. Vẫn là chương trình nhạc theo yêu cầu giữa trưa, với lượng thính giả hâm mộ cuồng nhiệt khổng lồ là công nhân.

Tôi đã không còn làm nghề “sinh viên” nữa. Có thể ít nữa tôi cũng sẽ đi làm công nhân, vì ba mẹ tôi sẽ không đời nào gửi tiền nuôi một thằng con bất hiếu bỏ giữa chừng đại học. Dù sao tôi cũng có-trình-độ trung học phổ thông (tức là đã tốt nghiệp), sẽ dễ dàng ứng tuyển vào một chương trình “Cần 200 công nhân ngành may lương một triệu rưỡi một tháng, đào tạo nghề miễn phí, ra có việc làm ngay. Xin liên hệ số 12345678910 ji đầm già xì để biết thêm chi tiết”. Tôi sẽ rụt rè gọi điện thoại cho chương trình đề nghị tặng bài hát Yêu là không hối tiếc do ca sĩ Tân Minh Tinh trình bày cho các bạn Nga, Huyền, Diễm, Nhi làm cùng tổ ba Xí nghiệp may Thạnh Hòa xã X huyện Y tỉnh Z với lời nhắn “Tụi mình là bạn tốt suốt đời nhen!”.

Viễn cảnh xưởng may với người bạn gái hiền lành, vừa cắm cúi làm việc vừa nghe chung chiếc radio rè làm tôi thấy buồn ghê gớm.

Bác tài xế xe bus mắt đỏ ngầu chán nghe nhạc não tình, đổi sang kênh tư vấn tình yêu. Chị ơi, em chỉ lỡ dại có một lần… (sụt sùi khóc lóc)… Ảnh đã hứa với em là hổng có chuyện gì đâu, vậy mà bây giờ em bị trễ mất hai tuần rồi chị ơi… (tiếp tục sụt sùi)… Má em từng nói phá thai là giết người, nhưng bây giờ nó đã có hình hài gì đâu… Xin chị cho em một lời khuyên! Chào em, em hãy bình tĩnh. Rõ ràng cậu bạn trai em đã không muốn… blah blah…Chị khuyên em nên sáng suốt suy nghĩ và có quyết định đúng đắn. Chúc em sớm vượt qua!

Phải rồi, có thể sau giờ làm việc quần quật trong xưởng may, tôi sẽ đi chơi với một người yêu khờ dại. Nàng ở miền Tây lên, học chưa qua cấp 1, kiến thức tình dục an toàn không đủ lận lưng, đến năm mười mấy tuổi vẫn tin em bé được một con cò mang tới.

Vẫn là những chuyện nghĩ tới đã thấy buồn ghê gớm!

Tôi nhắm mắt, tập trung vào chuyển động của dòng máu đang chạy trong não. Hình ảnh những buổi sáng chưa xa hiện ra. Như sáng nay tôi còn là sinh viên, tôi chạy xe từ nhà ra Hồ Con Rùa, gửi xe ở gần đó rồi trèo lên xe buýt S09 chuyến sớm nhất đến trường. Radio của xe buýt điểm tin Sài Gòn buổi sáng, từ chuyện cô giáo trường nọ mất thi đua do bị phụ huynh học sinh kiện tụng đến giá rau cá heo gà, chuyện giải quyết vấn đề toilet công cộng cho các anh xe ôm ở bến xe miền Đông cho đến chuyện giá xăng giảm nhỏ giọt.

Thi thoảng bác tài xế chuyển sang đài nào đó có phát chương trình Những ca khúc bất hủ. Xe lướt qua những con đường Sài Gòn sớm vắng trong tiếng nhạc Tie a yellow ribbon round the old oak tree, Yellow Submarine, Noweigian Wood… Tôi nhắm mắt lẩm bẩm hát theo, thấy đời mình hồn nhiên vui như những giai điệu giản dị xưa cũ.

Vậy mà những buổi sớm như thế sẽ không còn. Chúng thuộc về một cơn mơ mà tôi vừa rời xa.

Xe buýt, đối với tôi là một chiếc lồng chuyển động nhốt đầy những âm thanh, và đôi khi là những câu chuyện chỉ vừa nghĩ đến thôi đã buồn đến ngợp người. Chúng nối đuôi nhau chạy hết một vòng, rồi từ từ dừng lại, như cái bàn cò kêu cót két, cọt kẹt.

Bình thường, tôi không phải là đứa hay xúc động như vậy. Nhưng đời tôi vừa có một bước ngoặt. Trước những thay đổi lớn lao, người ta thường có xu hướng vô độ.

Sói

Trong con hẻm nhỏ tĩnh lặng, tôi thấy Sói đang ngồi uống cà phê một mình, vẻ mặt đủng đỉnh lơ ngơ như vẫn thế. Sói là lão bạn già tôi quen những ngày lê la cà phê một mình ở cái hẻm này. Sau này tôi mới biết thêm tôi và hắn cùng quê Daklak. Đó là một tay rất hay. Tóc hắn để dài rũ xuống mặt, áo quần tuềnh toàng, dép lê mòn gót. Mới nhìn tôi thấy ghét, nghĩ lại một thằng cha nghệ sĩ rởm đời nào đây.

Hóa ra hắn không phải là nghệ sĩ, chỉ là một tay lập trình viên tóc dài, ở dơ làm việc gần đó, ngày lên công ty chưa đến hai tiếng đồng hồ, còn lại ra quán cà phê ngồi “tu”. Giữa nhiều gã tự nghĩ mình là nghệ sĩ ba hoa láo phét ngồi nhan nhản trong hẻm, hắn im như chưa từng được má hắn dạy nói bao giờ, đủng đỉnh, lơ ngơ, lơ ngơ, đủng đỉnh.

Hắn khuấy cà phê, bỏ thìa xuống, uống, nhìn vào khoảng không trước mặt say sưa như thể ở đó có dán ảnh người mẫu khỏa thân, rồi lại uống, rồi lại nhìn trông phát sốt cả ruột. Nhưng cũng cái tâm thái nhàn nhã ung dung đó khiến người ta ghen tị. Vậy là tôi thích hắn, càng thích kinh khủng hơn sau khi bắt chuyện vài lần. Tôi trở thành một thằng “đệ” của hắn. Một thằng “đệ” kiến văn hạn hẹp chỉ đáng để hắn cười khẩy xoa đầu.

‘Lỏi tì, tao tưởng giờ này mày đang làm sinh viên gương mẫu ở trường!’.

‘Tui nghỉ học rồi, nghỉ luôn. Chấm dứt!’.

Lão hấp háy mắt nhìn .

‘Rồi tính làm gì?’.

‘Tui chưa biết’.

‘Đi không?’.

‘Đi đâu?’.

‘Lang thang. Tao mới mua chiếc xe tải nhỏ’.

‘Nghỉ làm hả?’.

‘Ừ, nghỉ luôn. Chấm dứt!’.

‘Ừ, đi!’.

Francessca

Là tên chiếc xe tải lão Sói vừa mua, một chiếc SYM tài 880 mới cáu màu vàng đỏm dáng.Tên nó được đặt theo nhân vật nữ chính trong truyện Những cây ầu ở hạt Madison, cái truyện mà sói bảo “Nếu bây giờ bắt tao đọc, chắc tao không làm nổi. Nhưng đáng tiếc là tao trót đọc và mê nó thời mười sáu mộng mơ”. Fancessca- một cái tên nghiêm, đẹp và buồn, đầy chất văn chương, sang trọng như tên 1 chiếc su thuyền, hay khó lường như tên 1 cơn bão, và sến bằng từng đó thứ cộng lại. Tôi nói thích đặt tên chiếc xe là Tèo hay Bi Bo gì đó, nghe cho nó thuần Việt. Sói bảo tôi nên biết điều, vì xét cho cùng thì đó là xe của lão.

Cabin xe rộng rãi. Giàn CD không tồ

Sói mang theo hai bộ quần áo, mấy tút thuốc con Mèo và vài cuốn sách Triết học. Tôi đã nói thằng cha này bị bịnh mà.

Ba năm đại học vừa rồi, tôi làm thêm như điên. Viết báo, viết kịch bản truyện tranh, viết bài PR. Tất cả số tiền đó để dành cho một dự định: ra trường, tôi sẽ đi Con Đường Tơ Lụa. Hoặc giả như giấc mơ đó chưa thành thì ít ra tôi cũng có một số tiền. Giờ tôi biết số tiền đó phải tiêu vào đâu rồi.

Tôi đi một vòng các toà soạn báo lãnh những khoản nhuận bút còn sót lại, rút thêm ít tiền mặt từ một bốt ATM rồi về nhà trọ soạn đồ đạc. Tôi mang theo kính mát, ít quần áo nhẹ, vài đĩa CD yêu thích cùng một chồng chừng hai chục cuốn sách chưa đọc xong. Tất cả những thứ khác, tôi gọi mấy thằng bạn cùng xóm trọ lại chia đều. Điện thoại di động tôi nhờ gửi lại cho thằng bạn học cùng lớp hay điểm danh dùm, còn chiếc sim thì búng vào trong bể cá. Tôi đã dùng số điện thoại này suốt năm năm, nhưng chỉ vài tháng nữa thôi, sau một thời gian không sử dụng, nó sẽ không còn thuộc về tôi nữa. Sự mất mát, chia biệt nhiều khi đơn giản vậy. Khỉ thật, sao chỉ một động tác đơn giản là búng chiếc sim vào trong bể cá cũng gợi cho tôi nhĩ vòng vèo đến cả một thiên Ly Tao?

Tôi ra điện thoại công cộng gọi về nhà cho mẹ, nói láo là vừa mất điện thoại nên sẽ ngừng dùng trong ít tháng, có gì tôi sẽ chủ động gọi về nhà. Việc thu xếp nghe có vẻ dài dòng nhưng chẳng tốn mấy thời gian.

Nhìn đống sách và CD nghều nghệu, lão Sói doạ sẽ bỏ tôi ở nhà, nhưng tôi thề thốt đọc đến đâu sẽ bán đến đấy.

‘Bằng cách nào?’

‘Tiệm sách cũ’.

‘Vậy thì không được giá’.

‘Hai thằng mình có thể biến thùng xe thành một cửa hàng lưu động, bán sách kèm kính râm, miếng che nắng xe hơi, phim chụp hình, cà phê...’.

‘Ừa, và nế đến vùng quê hoang vắng, có thể bán cả xì dầu mắm muối bột ngọt thuốc lá’ - lão Sói hào hứng đóng góp ý tưởng kinh doanh. Không tồi.

Hai thằng say sưa với viễn cảch bán buôn phát đạt trên đường một hồi, lão Sói đã hút xong điếu con Mèo và uống cạn ly cà phê đen đá ở quán cóc trong hẻm. Trưa ngày X tháng Y năm 2008, chúng tôi lên đường.

Nàng Francessca lướt êm ru. Sài Gòn nắm lại sau lưng.

Giữa yêu và si mê

Lão Sói một tay lái xe, một tay dò sóng Radio. Lại chương trình Cửa sổ tình yêu gợi nhớ không gian xe buýt trường đại học. Tôi với tay tắt phụt, thay bằng một đĩa nhạc. Sói nhếch mép cười rất cha chú rồi huýt sáo theo bài hát đang phát.

“Giờ đi đâu?”

“Lên Buôn Mê uống cà phê”.

Lão đáp tỉnh rụi. Tôi không hề nghĩ sẽ về Buôn Mê trong chuyến đi này, nhưng cũng không phản đối.

Buôn Mê là nơi tôi sống suốt quãng đời đi học. Ba mẹ tôi buôn bán ở một thị trấn nhỏ cách Buôn Mê ba chục cây số, nhưng từ sáu tuổi tôi đã phải trọ học ở nhà bác trên thị xã. Mẹ tôi nói lẽ ra, cũng không gửi tôi đi học xa đâu, nhà có một móng con trai chứ mấy. Vậy rồi một buổi chiều nọ tôi ôm cặp về nhà giữa giờ, mẹ hỏi tại sao tôi được nghỉ. Đáp: cô giáo bận đi đặt vòng. Mẹ tôi hãi hùng chuyển ngay tôi lên học trường trên thị xã. À, nghe nói hồi đó tôi học gần hết lớp Một vẫn viết chữ a ngược.

Buôn Mê là chỗ buồn tẻ, ít ra trong tâm trí của tôi. Tôi bị ám ảnh bởi những buổi chiều cúp học nằm dài trên bãi cỏ trong biệt điện, nghoẹo đầu nhìn ra phố, thấy tuổi mười sáu tẻ ngắt và cô đơn. Những năm đi học đại học ở Sài Gòn, có tôi nhớ nó đến nhói lòng.

Suốt đường đi tôi với Sói trao đổi những câu cụt lủn. Hình như chơi với lão riết tôi cũng quên mất tiếng người. Nhu cầu nói giảm thiểu tối đa, tôi ngồi ngắm cảnh hai bên đường, trôi qua ô cửa xe, thỉnh thoảng cao hứng lắc lư theo nhạc, rồi thì ngủ béng mất. Lão sói vẫn cần mẫn lái xe và hút thuốc như một cái ống khói.

Trước khi vào thành phố, xe chạy ngang qua khu đồi Sao. Hai thằng dừng bên vệ đường, leo lên đồi thông nằm đánh một giấc dài. Gió mát sướng mê tơi. Khi tôi mở mắt ra, trời đã ngả chiều. Lão Sói cũng đã thức nhưng không thằng nào có ý định ngồi dậy.

Đến Buôn Mê cũng vừa tối. Trời lạnh tê tê, lất phất mưa. Tụi tôi thuê nhà trọ ở gần bến xe, bốn chục ngàn một đêm, thêm tiền đậu xe nữa là năm chục. Phòng tồi tàn, dơ dáy xứng đáng với số tiền bỏ ra, vòi nước rỉ chảy lộp độp. Sau hai ngày trời lê lết, tắm xong mặc bộ quần áo sạch vào, tôi thấy mình thơ thới như được nhẹ đi vài kí. Tôi hì hục giặt quần áo mang lên móc cho ráo. Lão Sói ở bẩn chỉ rửa mặt qua loa, tuyệt nhiên không thay đồ hay có ý định tắm rửa gì. Tôi kêu ồ lên thán phục, lão đốt thuốc phán gọn lỏn: “Mày tiểu thư thấy mẹ!”. Tôi thích cách dùng từ của Sói. Thoạt nghe có vẻ thiếu logic, nhưng cay hơn bò đá.

Tôi tròng một cái áo khoác rộng không thấm nước tuyển từ mớ đồ ít ỏi mang theo, còn Sói vẫn phong phanh quần jeans, áo vải xô cổ Tàu. Hai thằng đi bộ dặt dẹo ra phố ăn bát mì, uống cà phê cóc lót dạ. Đường Buôn Mê buổi đêm vắng đến phát buồn. Sói đăm chiêu ngó đồng hồ, đến khoảng chín giờ kém mười thì ra hiệu cho tôi đứng lên, đi bộ theo lão lên một con dốc nhỏ trên đường Đinh Tiên Hoàng.

Có một quán cà phê ở đó.

Quán cũ, sàn lót gỗ thông, thắp nến. Mùi tùng hương ngào ngạt lẫn với mùi người, tiếng rì rầm lẫn tiếng nhạc nỉ non phát từ bộ loa cổ lỗ trong không gian chưa đầy sáu chục mét vuông. Tôi và Sói rúc vào góc kẹt gọi hai ly gì đó quên rồi. Thậm chí tôi không nhấp môi tới.

Tắt nhạc. Đám người trong quán yên lặng như bọn giáo đồ chờ hành lễ. Một phụ nữ trung niên dáng vẻ quý phái, giọng Bắc có pha âm hưởng miền núi đứng lên giới thiệu chương trình nhạc đêm nay. Đó là bà chủ quán. Rồi một cô gái mảnh dẻ mặc váy trắng bước ra, ôm guitar hát một lượt bảy tám bài. Giọng hát lạ, ngón đàn không điêu luyện thần sầu nhưng có sự thuần thục do thời gian. Trong bóng nến, tôi biết cô đẹp.

Tôi trở nên phân vân không biết nên dành thời gian để ngắm ai, người đàn bà quý phái hay cô ca sĩ. Người đàn bà đang ngồi trầm ngâm ở bên cây đàn dương cầm trong gốc đối diện, hút loại thuốc lá the dành cho phụ nữ. Họ đều có một sức hút kì dị.

Còn Sói, tôi cũng không biết lão đang ngắm nhìn ai.

Cô gái kết thúc màn biểu diễn, người đàn bà mở nắp đàn và bắt đầu chơi những khúc impromptu của Chopin. Đó là Sói nói cho tôi biết. Tôi dốt đặc về nhạc cổ điển.

Hai thằng lẳng lặng rời quán khi bà chủ quán chuyển sang một bản nocture, vẫn là Chopin, và vẫn là Sói nói cho tôi biết. Tôi nằm xoài ra thành đá hồ nước giữa công viên, nghe giá lạnh lẫn sự ẩm ướt của sương đêm truyền qua lưng. Sói ngồi bệt xuống cỏ.

“Ai trong hai người đó là người yêu cũ của ông?”

“Mày đoán coi”.

“Cả hai”.

“Sai rồi, không ai hết”.

“Tệ dữ vậy!”

“Hồi còn học đại học ở đây, nàng trẻ học cùng trường với tao, khoa tiếng Pháp. Tao yêu nàng say đắm, yêu đơn phương thôi. Ngày nào tao cũng lết ra quán đó ngồi ngắm nàng đàn hát, tiện thể ngắm luôn nàng già. Ít lâu sau thì tao phát hiện ra mình đã si mê nàng già. Rồi thì sau đó tao tốt nghiệp, rời Buôn Mê. Cả nàng già và nàng trẻ đều đếch biết tao là thằng cha căng chú kiết nào”.

“Kết thúc có hậu ghê”.

hông cảm, hồi đó tao đang tuổi ta mang trong trắng đi tìm thanh cao”.

Hai thằng lăn ra cười. Đột nhiên lão hỏi tôi:

“Ê, khác nhau ra sao, mày biết không, giữa yêu và si mê ấy!?”.

“Như thế nào?”

“Nếu lúc đó nàng già nói ê thằng nhỏ, nhảy xuống hồ coi chơi - lão chỉ tay xuống cái hồ nông choèn minh họa - và a lê hấp, tao sẽ nhảy ùm xuống. Còn nếu nàng trẻ nói như vậy, tao sẽ nhìn nàng cười khoan dung”.

“I once had a girl or should I say she once had me...”

Câu đầu tiên trong bài Rừng Na Uy ám ảnh tôi rất lâu, không phải từ ngày đầu tôi nghe The Beatles, cũng không phải từ khi tôi đọc cuốn sách của cái ông Nhật Bản đó. Bắt đầu từ dạo tôi không còn gặp Chiêu Anh nữa, đột nhiên câu hát đó cứ trở đi trở lại trong đầu tôi như quán tính.

Chúng tôi học cùng trường thời phổ thông. Tôi không rõ giữa tôi và Chiêu Anh lúc đó có phải là tình yêu, nhưng mỗi ý nghĩ về nàng luôn làm trái tim tôi tràn lên một niềm yêu thương bất tận. Tôi muốn làm tất cả những điều ngu ngốc nhất để nàng cười, và che chở nàng mỗi khi nàng cảm thấy thế giới này quá bất trắc. Chiêu Anh đôi khi cũng thú nhận, yêu thì chưa hẳn, nhưng lúc nào nàng cũng cần có tôi bên cạnh. Mười ba tuổi, bố nàng mất vì bị bệnh ung thư. Tôi là người đàn ông thân thiết thứ hai của nàng. Nàng muốn tôi đóng tất cả vai trò những người đàn ông mà một cô gái có thể có trong đời: người cha, người anh, người yêu. Tôi không biết điều đó quá sức mình.

Vào Đại học, nàng thành một con người khác, cởi mở hơn đồng nghĩa với việc nông nổi hơn, bất an nhiều hơn. Tôi mơ hồ cảm thấy cô gái kín đáo, trầm tĩnh của tôi đột nhiên bị một người lạ thế ch

Mùa hè đầu tiên ở Đại học, nàng muốn chia tay với tôi. Ba tuần sau đó chúng tôi làm lành. Đó là mở đầu cho những lần đòi chia tay đều đặn của nàng sau này, dăm bửa nữa tháng một lần vì giận, vì ghen, hay chẳng vì cái gì cả. Sự chia tay ám ảnh nàng, khiến nàng dần mất kiểm soát.

Cuối năm đó, nàng bảo muốn chia tay với tôi một cách dứt khoát. Tôi mặc kệ, không gọi điện lại. Năm ngày sau nàng uống thuốc ngủ tự tử, sau đó gọi cho tôi trong cơn hoảng loạn tột độ. Tôi đưa nàng vào bệnh viện. Chiêu Anh không cần phải súc ruột. Nàng chỉ uống vài viên và tự móc họng nôn ra liền sau đó. Lúc ngồi ở băng ghế chờ đợi, đột nhiên tôi cảm thấy chán nản và bất lực. Riết rồi chuyện quái gì xảy ra trong đầu nàng, làm sao tôi biết được?!

Nàng nói nàng cần tôi. Không có tôi nàng không sống nổi, nhưng mỗi lần ý nghĩ đó đến, nàng sợ hãi đến mức chỉ muốn xua đuổi tôi đi. Tôi nắm tay nàng bảo rồi sẽ ổn thôi mà.

Ngày sinh nhật tuổi hai mươi, Chiêu Anh nói sẽ tặng tôi một món quà đặc biệt. Tối đó nàng bảo tôi rẽ vào nhà nghỉ. Hai đứa ngồi trên giường nhìn nhau hồi lâu, rồi nàng nói rành rọt.

“Đây là lần đầu tiên của em. Đừng dùng condom. Em sẽ uống thuốc”.

Rồi nàng cởi áo.

Tôi nhìn bàn tay nàng tỉ mẩn mở từng nút áo, đột nhiên không có chút ham muốn nào cả, chỉ thấy đau lòng. Khuôn mặt nàng như của một người khác.

“Dừng lại đi”.

“Sao chứ? Em không đủ hấp dẫn?”

Tôi chán nản đến mức không buồn trả lời.

“Anh thiếu kinh nghiệm đến mức đó à? Hay anh chán ngán em đến tận cổ rồi? Hay anh là gay

Có lẽ nàng luôn cho rằng bọn đàn ông như một cỗ máy chỉ tuân theo dục vọng, nên khi nhận ra phút giây đó tôi hoàn toàn vô cảm trước thân thể nàng, nàng bắt đầu khóc và rủa sả tôi thậm tệ. Tôi không ngờ ngày sinh nhật của mình diễn ra kì khôi đến vậy.

“Chúng ta kết thúc đi”. Nàng bước ra khỏi phòng, sập cửa trước mặt tôi. Tôi nằm lại ngủ một giấc. Lúc đó tôi chẳng biết làm gì khác.

Vài ngày sau, Chiêu Anh gọi cho tôi. Nàng đã làm tình với một gã mới quen, vào chính cái đêm sinh nhật tôi, sau khi rời nhà nghỉ.

“Anh ta cực kì thuần thục”. Tiếng nàng đắc thắng.

Ơn trời là Chiêu Anh không đứng trước mặt tôi lúc đó. Tôi không biết khi nói câu ấy, khuôn mặt nàng trông như thế nào. Tôi nghĩ nàng mất trí rồi.

“Em có đau không?” - Tôi hỏi chậm, đau xót.

Tôi nghe đầu dây kia hơi hẫng. Giọng nàng ngập ngừng đi.

“Có, máu ra khá nhiều”. Rồi nàng òa khóc. “Anh có tha thứ cho em không?”.

“Em đang ở đâu, đứng yên, anh sẽ đến!”.

Nhưng nàng không cho tôi biết lúc ấy nàng đang đứng ở đâu, gần hay là đã xa tôi quá rồi. Sau hôm đó nàng kiên quyết tránh mặt tôi, cắt đứt liên lạc.

Tôi đã không tìm thấy nàng đâu nữa.

Ám ảnh

Có thể ngày hôm ấy, đúng là tôi không biết Chiêu Anh đang đứng ở đâu.

Nhưng cũng từ đó trong tôi xuất hiện một nỗi ám ảnh. Và nỗi ám ảnh này theo tôi dài lâu.

Có thể ngày hôm ấy, tôi biết Chiêu Anh đang đứng ở đâu. Tôi đã đến, và đã giết nàng. Trong cơn giận dữ bốc lên choáng đầu. Bằng một cách nào đó tàn bạo. Tôi xiết cổ nàng cho đến khi nàng ngất lịm. Tôi đập đầu nàng vào cạnh bàn. Hoặc tôi đâm vào ngực nàng bằng một con dao rọc giấy. Máu nàng chảy ướt tay tôi. Thân thể nàng dần cóng lạnh. Đôi môi nàng tái nhợt. Và mắt nàng không thể nào khép hẳn.

Mỗi sớm sau đó thức giấc, áo tôi đẫm mồ hôi. Tôi thót sợ mỗi khi nghe tiếng gõ cửa.

Nhưng không có ai đến bắt tôi đi.

Và tôi đã không tìm thấy nàng đâu nữa.

Thị trấn buồn hiu

Tôi không ghé về nhà. Sói nói đúng rồi, đừng ghé về, phụ mẫu thê nhi quyến luyến, rách việc lắm. Hai thằng theo quốc lộ hăm sáu đi thẳng xuống Nha Trang. Xe chạy ngang qua nhà tôi.

Tôi chỉ cho Sói. Ngôi nhà nằm ngay mặt đường quốc lộ, tài sản lớn nhất của ba mẹ tôi sau hơn nửa đời người. Mà chắc cũng chỉ có vậy. Ba tôi tính sau khi tôi ra trường, sẽ bán nhà này mua một miếng đất nhỏ hơn, hai ông bà già xây nhà sống tuổi già. Tiền còn lại chia đều cho hai anh em làm vốn. À quên, tôi có một đứa em gái nhỏ. Năm nay nó học lớp mười một. Chắc số vốn đó sẽ hoàn toàn thuộc về nó.

Đã nói là ba mẹ tôi không đời nào chi một cắc cho thằng con bỏ học giữa chừng mà. Nhàchưa có ai tốt nghiệp đại học. Bước ra khỏi cổng trường ngày hôm đó, tôi đã giết ước mơ của ba mẹ tôi một cách thản nhiên, trắng trợn.

Lúc xe đi ngang nhà, ba tôi đang cởi trần đứng hút thuốc trước thềm, còn mẹ tôi chắc đang lúi húi quét tước trong nhà. Em gái tôi giờ này đã ngồi trong lớp học rồi.

Lão Sói nói nhìn cái thị trấn của tôi buồn thấy mẹ. Tôi ừ.

Hồi tôi còn nhỏ, điều làm tôi vui thích nhất có lẽ là những khi có một đoàn đua xe đạp đi ngang thị trấn. Cái thị trấn của tôi bé tẹo và buồn tẻ không thua gì một cái ao bèo, nằm đìu hiu bên đường quốc lộ. Và chuyện đoàn đua xe đạp đi qua chẳng khác gì một viên đá từ đâu rơi tõm xuống, khuấy động cái ao bèo buồn tênh. Sự khuấy động ấy để lại những vòng sóng loang miên man vô tận trong tâm trí tôi, giúp tôi nuôi dưỡng niềm hi vọng để chờ đến ngày một đoàn xe khác đi qua.

Tôi vẫn nhớ hình ảnh của mình ngày đó, một thằng nhỏ loi choi đen nhẻm đứng bên vệ đường nhìn đoàn đua xe ngang qua, không ngừng gào thét đầy kích động: “Nhanh lên, nhanh lên chứ!” Những vận động viên thấm mệt gò lưng đạp qua con dốc một cách nhẫn nại không làm vừa lòng tôi. Tôi muốn họ phải lướt như bay qua trước mắt tôi, bởi người ta gọi đó là một cuộc “đua” cơ mà.

Những ngày sau đó rất lâu, tôi vẫn còn ngồi chống cằm tưởng tượng nơi đoàn xe sẽ đến. Nơi đó hẳn sẽ rất vui, có nhiều trò chơi, và ban đêm đèn thắp rực rỡ. Cứ thế, bằng niềm say sưa mù quáng đó, mãi đến năm mười tuổi tôi vẫn chả hiểu làm sao người ta lại cho xe đạp đua cùng với xe mô tô. Giờ thì tôi biết rồi. Đoàn mô tô là để mở đường.

Tôi đã đi qua bao nhiêu cái thị trấn nằm bên quốc lộ. Những chuyến tàu, chuyến xe dừng lại ở một thị trấn xa lạ nào đó, dù sáng trưa chiều tối, quang cảnh lúc nào cũng đìu hiu buồn bã như một cái ao bèo. Lúc đó tôi nghĩ, lạy trời, nếu bắt mình sống luôn ở chỗ này chắc mình chết mất. Vậy mà khi trở về cái thị trấn nhỏ bé của tôi, tôi không chết. Tôi ngồi trước nhà, lặng lẽ nhìn những chuyến xe đêm đi qua.

Gần như hoang đả

Ngang qua đèo Phượng Hoàng, tôi bắt đầu ngồi kể chuyện bâng quơ cho Sói nghe. Hồi nhỏ, mỗi mùa hè tôi được ba mẹ cho xuống Nha Trang tắm biển một ngày, sáng đi chiều về. Lúc nào xe đò đi ngang qua đèo Phượng Hoàng, tôi cũng được mẹ chỉ cho coi những đồi cỏ tranh, cỏ ba cạnh xanh nhiều sắc độ dập dờn trong gió như sóng lượn.

Mẹ tôi gọi đó là “sóng cỏ” – cách dùng từ còn mang vết dấu những tiểu thuyết hoa niên mẹ đọc thời con gái. Mẹ tôi còn kể chuyện những con chim dệt áo cỏ cho nàng tiên út gì đó, nhưng tôi quên mất rồi. Chỉ nhớ mỗi cảnh sóng cỏ ở đó, bao giờ cũng đẹp nguyên như thế.

Sói nói khi về già, có thể lão sẽ tậu một cái nông trại ở trên này, làm cao bồi thôn chính hiệu. Mô hình làm kinh tế kết hợp với việc tận hưởng thú điền viên như vậy đang là xu hướng của nhiều đại gia. Tôi hình dung cảnh chiều chiều lão cưỡi một con ngựa lùn đi lùa đàn bò, mồm ngậm điếu thuốc, hát ư ử bài ca cố hữu của Lucky Luke, thấy mắc cười vô cùng. Tướng tá bèo nhèo như lão chẳng thể nào cưỡi một con đẹp mã cỡ Jolly Jumper được, như thế là xúc phạm người nhìn.

Đến ngã ba Ninh Hòa, tôi ngỡ Sói sẽ bẻ lái về hướng Nha Trang, nhưng ai ngờ lão lại rẽ về Phú Yên. Hai thằng quyết định sẽ ghé vào Vũng Rô. Tôi muốn ghé thăm một thằng bạn cũ. Sói cũng chưa xuống Vũng Rô bao giờ.

Đường từ trên đèo Cả xuống Bãi Ngà đẹp như đồ họa trong game đua xe tôi hay chơi, một bên là vách núi, một bên là vực biển sóng vỗ ầm ầm, rìa đường nở đầy hoa dại màu tim tím. Tụi tôi gửi xe lại Bãi Ngà rồi đi kiếm đồ ăn. Sau khi ăn hai tô mì gói hải sản ngọt lự, Sói ngồi nhàn nhã hút thuốc, uống cà phê còn tôi đi ra cầu cảng tìm thằng bạn cũ.

Thằng Phú chơi với tôi từ hồi tôi học lớp tám. Nó hơn tôi hai tuổi.

Kể về mối dây mơ rễ má này cũng khá kì công. Ông nội tôi lượm được ba nó ở chợ Nam Định trong nạn đói năm bốn lăm, đem về nhà nuôi giúp việc. Sau này nhà ông nội tôi di cưam, ba nó xin đi làm ăn, lưu lạc đến Vũng Rô rồi ở lại cắm dùi, lấy một cô người xứ nẫu. Nó là con út trong cái gia đình mười bốn anh chị em đó.

Một mùa hè, ba tôi dẫn cả nhà xuống Vũng Rô thăm gia đình nó, cũng là đưa tụi tôi đi nghỉ hè không tốn tiền. Hai thằng xáp vô nhau thành cặp bài trùng suốt thời gian tôi ở đó. Tôi rất thích chơi với nó, một thằng khá xốc vác, hay bày trò và nói được cả giọng Bắc lẫn giọng xứ Nẫu. Sau này tôi có xuống thăm nó thêm hai lần nữa. Nhưng tôi bặt tin nó kể từ khi vào đại học.

Thằng Phú đang mua thức ăn cho tôm ở bãi. Tôi đứng nhìn nó hồi lâu rồi mới gọi. Nó đen nhẻm, người gầy gò nhưng cứng cáp như mọi thằng dân biển. Mới mấy năm mà mặt nó già chát như đã băm mấy bốn chục tuổi. Nó trao đổi mua bán bằng tiếng Nẫu cục cằn, khệ nệ ôm thúng cá quăng xuống lòng ghe.

Nó nghe tôi gọi, đứng sựng lại nhìn hồi lâu mới nhận ra. Mặt nó toét nụ cười khắc khổ.

‘Thằng kia, đi đâu ra đây?’.

‘Thăm mày!’.

‘Láo!’.

Tôi dắt nó lên uống cà phê, giới thiệu với lão Sói. Nó học xong lớp chín thì nghỉ học đi biển ít lâu, giờ đang nuôi tôm phụ ông anh vợ ở ngoài bãi. Ba thằng đi mua thêm ít đồ ăn rồi xuống ghe ra bãi. Chiếc ghe rẽ nước lạch xạch tiến ra dải cát dài trước mặt. Tôi nhận ra nước biển trong vịnh xanh màu lá cây.

Nếp nhà tranh của thằng Phú nhỏ xinh nằm nép trên bãi, xung quanh là vườn đu đủ và chuối xanh rười rượi. Trước nhà, cạnh mấy cái lồng tôm bện bằng dây nhựa, có một đứa nhỏ khoảng hai tuổi đang bốc đất cát cho vào miệng. Thằng Phú chạy lại xốc đứa nhỏ lên phủi túi bụi, miệng chửi thề liên tục. Hông nhà, một phụ nữ trẻ đang rửa chén cạnh cái lu sành, lưng đeo một đứa nhỏ chừng vài tháng khóc ngặt nghẹo.

‘Vợ con tao đó!’ - Thằng Phú giới thiệu gọn 

Chiều hôm đó chúng tôi kéo một mẻ lưới sát bờ. Cũng được vài con ghẹ nhi đồng cho bữa nhậu và ít cá con để băm cho tôm ăn. Thằng Phú giải thích biển ở đó không giàu như ngày xưa, bây giờ tụi nó (tức là một tụi nào đó) dùng ghe cào, cá lớn cá bé gì cào lên tuốt luốt, lấy gì mà còn. Nó bơi thúng ra chiếc ghe neo xa mua về một con mực đại tướng, kêu vợ nấu cháo đãi khách. Cô vợ trẻ con sợ thằng Phú phép một, rón rén đi rửa xoong, nấu cháo, thỉnh thoảng liếc trộm hai ông bạn chồng. Tôi nhìn thấy thương thương. Chắc nó chỉ hơn em gái tôi một hai tuổi.

Bàn nhậu dọn ra trên cái phản tre trước nhà. Thằng Phú tiếp rượu lão Sói, tôi ngồi chăm chỉ phá mồi. Sói nhậu vào cao hứng đọc thơ, thằng Phú nghe không hiểu nhưng vẫn ngồi hầu rượu rất tận tụy. Chớp mắt, đêm đã buông. Những chiếc ghe câu mực lên đèn. Tôi nhìn đăm đắm vào dải sáng nơi đất liền trước mặt. Thỉnh thoảng có một đoàn tàu hỏa chạy qua đèo Cả, tiếng sầm sập âm vang ra tận ngoài này lẫn vào tiếng sóng biển dường như ở rất gần, nhưng trong bóng đêm tôi không thấy sóng. Trong nhà, vợ con thằng Phú ngồi coi tivi điện bình dưới bóng đèn tuýp tù mù. Hai đứa nhỏ đã bắt đầu gà gật.

Để mặc hai thằng bạn tiếp tục ngồi uống, tôi vớ lấy cây đèn pin và cái thùng nhôm đi xuống bãi cát. Ngày xưa tôi và thằng Phú hay đi bắt ốc mượn hồn như vầy. Ban đêm, ốc mượn hồn bò lổn ngổn trên bãi biển không biết cơ man nào mà kể. Hồi đó trước cổng trường tôi có một ông đi xe cub chở đầy một lồng ốc mượn hồn đem bán cho bọn học sinh, ngàn rưởi một con. Tôi cũng nằm trong cái bọn hay dấm dúi chơi ốc mượn hồn trong giờ học.

Hễ nó rúc vô vỏ, tôi lại hà hơi nóng cho nó bò ra. Chơi được một hai ngày thì ốc chết, lại đi mua con khác. Cứ ngày này qua ngày khác như vậy, lên trường cũng không học được bao nhiêu, nhưng giết khá nhiều con ốc. Tôi từng xúi thằng Phú đem ốc lên chỗ tôi bán, chắc sẽ giàu to. Nó cười, chửi tôi ngu. Tiền xe đò đi lên đi xuống còn gấp mấy lần tiền bán ốc.

Tôi bắt một thùng ốc đầy để ở chân chõng tre. Nhưng đến sáng mới thấy chúng đã lật thùng bò đi hết cả.

Tôi và lão Sói ăn bám thằng Phú khoảng tám chín ngày ở đó.

Sớm sớm dậy nghe chim kêu vượn hót sau núi, đi tắm biển rồi nằm ghếch chân đọc sách. Chiều chiều đi kéo mẻ lưới hay bắt cua đá, cá cóc về nhậu chơi. Đêm đêm trèo lên lồng tôm rỗng nằm ngắm sao trời, nghêu ngao hát. Khi nào quặn bụng, cứ việc cầm theo một cái cuốc, đi ra sau vườn đu đủ.

Có lúc tôi và lão Sói buồn buồn đi sâu vào cánh rừng phía sau, thăm thú những khe nước ngọt trong leo lẻo, cá bơi thơ thới. Tụi tôi hái đầy một gùi khóm dại, ổi rừng, đu đủ hườm hườm về ăn chơi. Buổi chiều nọ lũ bạn nuôi tôm của thằng Phú ở dọc bãi còn rủ ba thằng qua nhậu thịt heo rừng. Một con heo rừng dính bẫy ở ngay ruộng sắn gần cái giếng công cộng của bãi nuôi tôm này.

Tôi và Sói phụ vợ thằng Phú xách nước về nhà đổ đầy những chum vại. Hai thằng làm một chút đã mệt dừ, còn cô em xứ biển cứ gánh hai đầu hai cái can quét hắc ín đầy tràn nước, bước lơn tơn trên cát.

Thằng Phú đi đi về về giữa bãi nuôi tôm với đất liền như con thoi, buôn buôn bán bán. Buổi chiều nó ngồi băm cá con cho tôm ăn, bàn tay nhầy nhụa nhớt máu. Nó hỏi tôi giờ mua bộ truyện Tam Quốc ở đâu ra, tôi nói nhiều lắm, tái bản bán đầy ngoài phố. Nó kêu tao làm sao ra đó được. Tôi hứa sẽ gửi cho nó một bộ, qua địa chỉ ông anh của nó làm ở chi bộ xã.

Sói ngồi ngất ngưởng trên tảng đá cao, phân tích cái thâm của Khổng Minh trong chuyện tiến cử Bàng Thống làm thằng Phú nghe sướng quá, dừng tay băm cá, vỗ đùi đen đét. Như mọi ngày, có lẽ tôi sẽ nói đía lão Sói về chuyện đem “chiêu thức” ra làm mờ mắt thằng bạn chất phác của mình, nhưng nhận thấy niềm vui thích của nó, tự nhiên tôi cứ ngồi yên cười phụ họa.

Một buổi sáng dậy, lão Sói khều tôi:

‘Ê mày, tao nhớ nàng Francessca rồi!’.

Trưa hôm đó tụi tôi từ biệt vợ con thằng Phú và đám bạn nuôi tôm của nó, leo lên ghe trở lại bãi Ngà.

Thằng Phú tiễn tụi tôi lên tận trên đèo.

Chạy thêm khoảng ba chục cây số nữa thì tới Tuy Hòa, lão Sói lùng sục trong phố mua một bộm Quốc, kêu tôi chạy vô bưu điện gửi về liền cho thằng Phú.

Damien và cây đàn mandolin

Tụi tôi chạy ngang Bình Định, Quảng Ngãi nhưng chỉ dừng ven đường uống cà phê nhìn mây nhìn nước một chốc rồi đi chứ không có ý định nghỉ lại. Đoạn đường này Sói để cho tôi cầm lái. Tôi chạy chậm chạp, mở nhạc inh ỏi. Trời nắng đẹp, lòng cũng theo đó mà chợt vui phơi phới.

Ngang qua Sa Huỳnh, tụi tôi đón thêm một thằng đồng hành mới.

Lúc đó trời vừa đổ chiều, tôi tấp vào bãi biển Sa Huỳnh uống nước dừa, rửa mặt mũi chân tay. Đang nằm đong đưa trên võng bỗng nhiên trước mặt tôi xuất hiện một thằng Tây bộ dạng kì dị. Tóc nó dài, tết con rít màu vàng nhỏ tí. Nó mặc cái áo sơ mi cũ mèm, cái quần vải mềm ống to lụng thụng. Vai nó đeo một cây đàn mandolin, tay kéo lệch xệch quai ba-lô trên cát. Nói chung là một thằng Tây lếch thếch.

“Hello, Hoi An?”

Nó hỏi và mừng húm khi thấy bọn tôi biết tiếng Anh. Sau đó bọn tôi được một trận cười no nê khi nghe nó trình bày hoàn cảnh.

Thằng này người Mỹ, tên là Damien, hăm sáu tuổi, tốt nghiệp ngành Sinh học xong lười biếng không chịu đi làm, vác thân sang Nepal sống nhờ tiền trợ cấp thất nghiệp suốt hai năm. Rồi nó lê la một thời gian nữa ở Lào,Thái, Cambodia và vừa đến Việt Nam trong khoảng một tháng nay. Damien kể nó muốn ra đảo Lý Sơn ở Quảng Ngãi, nên từ Hội An, nó nhờ người ta viết cho tờ giấy có dòng chữ “Tôi đi Lý Sơn” rồi trèo lên một chuyến xe tồi tàn bắt được ở bến. Ai dè nó ngủ quên, xe đi đến đâu nó cũng không biết. Đến khi nó tỉnh dậy dộng vào thùng xe rầm rầm, thằng chủ xe cà chớn đã tống nó xuống giữa đường.

‘Tụi mày tưởng tượng được không, tao đứng một mình trên một con đường vắng teo, hình như là đường nội tỉnh, không hề có xe cộ gì chạy ngang qua. Lâu lâu chỉ có vài người đạp xe qua trố mắt nhìn tao, chả hiểu sao lại có một thằng Tây xuất hiện ở đây. Khi tao bắt đầu tuyệt vọng thì có một chiếc máy cày xuất hiện. Tao gào lên Hội An, Hội An, nó cho tao đi nhờ ra tới đây, và tao mon men lại hỏi xin đi ké tụi mày.’

Nói chuyện qua lại một hồi, nó hỏi chúng tôi đang đi đâu.

‘Lang thang vô định thôi’ Sói nhún vai.

‘Cho tao theo với!’ Nó đề nghị.

‘Tại sao tụi tao phải cho mày theo?’ Tôi hất hàm.

‘Có chứ, ví dụ tao nấu ăn khá ngon. À, tao có thể chơi đàn’ Nó gỡ cây đàn trên vai xuống.

‘Chơi thử một bài tao nghe coi’ Sói nói.

Nó dạo đàn, hát bài Forgetful Lucy trong phim 50 First Dates. Tuyệt vời!

‘Nhìn mày, tao nhớ đến hình ảnh thằng cha Corelli trong phim Captain Corelli’s Mandolin. Nhưng mày đong đưa và đẹp trai hơn gã Nicolas Cage nhiều!’ Sói phán.

‘Thank you’ Thằng Damien nghiêng đầu nhã nhặn, như một nghệ sĩ đường phố chân chính mà gió bụi không thể làm mờ đi vẻ lịch duyệtcó từ trong máu.

Tôi nghĩ Sói định thu nhận thằng này để đờn ca cho đường đi thêm phần thi vị. Hoặc nếu thất cơ lỡ vận cũng có thể dẫn nó đi hành khất. Ok, dù sao nó cũng là thằng thật thà, dễ mến.

Thế là thằng Damien và cây đàn mandolin của nó nhập bọn cùng tôi, Sói và nàng

Ba chàng ngự lâm

Đêm hôm đó tụi tôi ngủ lại Sa Huỳnh. Sói trải bạt nằm đằng sau thùng xe hút thuốc. Thằng Damien leo lên nóc cabin ngồi thế liên hoa rồi thơ thới đờn ca. Tiếng hắn thê thiết như sói tru trong đêm trăng. Lão Sói lâu lâu bật dậy vỗ tay kịch liệt.


Đọc tiếp: [Phần 2] Đường còn dài, còn dài

Home » Truyện » Tiếu thuyết » Đường còn dài, còn dài
Powered by 15giay
Copyright © 2014, Minh Hằng
skyhome - sms valentine - loi chuc valentine hay nhat, Tin nhan chuc Valentine 2014