XtGem Forum catalog

Đèn led 


15giay.mobi

Đọc Truyện Online

Tuyển Chọn Tiểu Thuyết, Tình Cảm Hay Nhất

SMS chúc mừng năm mới 2014, Lời chúc năm mới 2014, Tin Nhắn Chúc Mừng Năm Mới 2014, SMS Chúc Tết 2014

Ads

Biệt đội siêu Roboot
Biệt đội siêu Roboot
Game đánh theo lượt đầy lôi cuốn bạn còn được chiêm ngưỡng rất nhiều loại vũ khí khác nhau.
Chi tiết »
SMS Kute Chúc Tết 2014 + Lời Chúc Năm mới
2014 một năm mới sắp đến hãy giành cho những người thân yêu nhất bên cạnh mình những lời chúc đầy ý nghĩa.

Chủ nhật – Tháng 5: Trời vừa nắng trong chốc lát đã đột ngột đổ mưa. Một ngày 24 tiếng như gói gọn cả 4 mùa. Thời tiết thay đổi nhanh chóng, bất ngờ. 

Diệp Anh choàng dậy bởi cái đập vai rất mạnh của phụ xe. Sau quãng đường dài, cô uể oải bước xuống, kéo lại cho kín chiếc áo choàng rộng đang trực tuột khỏi vai. Diệp Anh nheo mắt nhìn, trời đã nhá nhem tối. Ở góc đường, An Nhiên vừa vẫy tay ra hiệu cho Diệp Anh vừa cố giằng co thứ gì đó với đứa bé đang nằm trong xe đẩy. Diệp Anh gật đầu, gấp gáp kéo vali tiến lại gần. 

Gần một năm, đứa bé ngày nào còn ở trong lồng kính, giờ đã trở nên cứng cáp. Đôi mắt một mí như thể lúc nào cũng mỉm cười. Quãng đường về, nhân lúc Diệp Anh và An Nhiên trò chuyện, đứa bé đã giằng được chiếc mũ len ra khỏi đầu, cầm chắc trong tay, đưa lưỡi thích thú liếm láp quả bông lớn phía trên. Diệp Anh thấy biểu hiện này bèn đưa tay chạm nhẹ vào cánh mũi nhỏ, cưng nựng. Nó lập tức ngừng lại, nhìn cô chằm chằm. Thay vì mỉm cười, khuôn miệng mở ra, âm vực được đẩy lên cao nhất. 

Lúc đầu, Diệp Anh thấy nó như một chú gấu trúc nhỏ, giờ cô lại thấy nó như một con đười ươi gắt gỏng. Nó chỉ vừa lòng khi được bế trên tay và liếm láp những sợi tóc mới được kì công cắt tỉa của Diệp Anh. Cô liếc nhìn An Nhiên, cười trừ. Ngôi nhà nhỏ sau hàng rào trắng đã giúp cô giữ được bình tĩnh. Cô bước chậm dần, tưởng tượng sáng sớm ngày mai có thể thư thái uống cà phê trên chiếc ghế dài ngoài hiên. Xung quanh, hoàn toàn tĩnh lặng. 

An Nhiên sau khi li hôn nhận được một khoản tiền không nhỏ để nuôi dưỡng con trai. Vì không muốn mối liên hệ giữa đứa bé và gia đình nhà chồng quá mật thiết nên cô đã quyết định chuyển tới sống ở một thành phố khác. Nơi yên tĩnh với khí hậu ôn hòa, xung quanh phủ kín một màu xanh tươi tốt. 

An Nhiên sau khi xuất viện vẫn thường xuyên thư từ qua lại với Diệp Anh. Những bức email ngắn ngủi trong lúc bận rộn giúp hai người thu hẹp dần khoảng cách trước đây. Khóa học biên kịch kéo dài hơn 2 tháng, Diệp Anh quyết định tới ở nhà An Nhiên thay vì khách sạn hoặc một nhà nghỉ nào đó. 

Bác sĩ từng nói tai nạn trước đây đã tạo áp lực buộc Diệp Anh phải sắp xếp cẩn trọng mọi thứ xung quanh. Cô không cho phép bản thân mắc sai lầm và cũng không muốn đối diện với những biến động bất ngờ. Tất cả những gì cô cần làm thay vì phụ thuộc vào thuốc là thả lỏng, hít thở và tận hưởng. Vì thế khi tới nơi này cô lập tức khởi động chế độ “ngủ đông”. Đẩy ra ngoài mọi suy nghĩ phức tạp, giờ bộ não của cô như một hố sâu trống rỗng, sẵn sàng tiếp nhận bất kì cảm nhận và thói quen mới mẻ nào. 

Chẳng mấy chốc thời gian đã qua vài tháng. Diệp Anh quấy nhẹ tách cà phê vừa rót thêm chút sữa. Chỉ mới đó khẩu vị đã thay đổi. Cô cởi bỏ đôi giầy bó sát, luồn ngón chân vào sâu trong lượt cỏ còn lưu lại chút ẩm ướt của trận mưa ban sáng. Gió lướt nhẹ trên bờ vai để trần. 

Nửa tiếng sau, Diệp Anh kéo cho kín lượt áo mỏng, cầm theo giầy, chậm rãi tản bộ dọc con đường ven hồ. Tiếng vó ngựa đều đặn gõ. Những căn biệt thự yên lặng, hòa mình vào cảnh quan xung quanh với lối kiến trúc riêng biệt, không hề trùng lặp. Quả không sai khi người ta gọi nơi này là “một góc châu Âu thu nhỏ”. 

Diệp Anh đột nhiên bước chậm dần rồi dừng lại. Phía trước cô, một lối đi ngập trong sắc hồng phớt. Những thanh gỗ được uốn cong xếp liên tiếp nhau trên một khoảng đất rộng. Một loại hoa kết thành chùm, cánh mỏng và nhẹ leo lên, phủ kín bất kì khoảng trống nào còn sót lại. Phía dưới là cỏ và những lùm cây bụi. Một cặp vợ chồng lớn tuổi đang đi dạo. Người đàn ông chắp hai tay sau lưng, đôi giầy cũ loẹt quẹt dưới đất. Người phụ nữ xốc lại chiếc túi dài đeo qua cổ, chăm chú nhìn xung quanh. Con đường dài, hai người không đi sát cạnh nhau. Nhưng nhịp chân đồng điệu. Gió thổi, cánh hoa rụng cuộn tròn, vương vãi khắp lối đi. 

Cứ như vậy, Diệp Anh từ lúc nào đã gần về đến nhà. Cô nheo mắt nhìn người phụ nữ mặc một chiếc áo phông sặc sỡ và một chiếc quần soóc họa tiết thổ cẩm đang ngồi trên chiếc vali lớn ngay giữa lối đi. Cô tiến lại gần, thảng thốt: 
- Chị làm gì ở đây? 
Chị ta cởi bỏ cặp kính râm, một bên lông mày khẽ nhếch lên. 
- Đến gặp cô. 
Diệp Anh khoanh tay trước ngực, nhướn mắt nhìn. Chị ta nhún vai, cười trừ. 
- Không sai. Bọn tôi lại cãi nhau. Nhưng tôi đến còn muốn xem chỗ này tốt thế nào mà cô cứ nhất quyết ở lại. 
Diệp Anh không trả lời, lặng lẽ kéo vali vào nhà. 

Hai người phụ nữ đi cạnh nhau. Đường đương dốc đột nhiên bằng phẳng. Cây nối tiếp cây. Đồi nối tiếp đồi. Mặt trời lùi xa. Ánh nắng cũng nhạt dần. Diệp Anh giang tay, hít một hơi thật sâu. 
- Chị thấy thế nào, rất tốt phải không?
Người phụ nữ dụi đôi mắt với phần kẻ sắc nét, hất ngược lên trên. Hình như có con bọ nào đó đã mắc kẹt giữa các sợi mi giả. 
- Tốt thi có tốt. Nhưng không thể ở lâu. 
Đúng vậy, nơi này như một ốc đảo, cách biệt với sự xô bồ và ồn ã một thành phố đáng ra phải chịu đựng. Nó thỉnh thoảng khiến người ta có cảm giác như đang nhìn mọi thứ qua một màn sương mỏng. Đẹp nhưng hư ảo, mong manh và đượm buồn, có lẽ vì thế nhiều người chỉ coi đây là nơi nghỉ dưỡng, chứ không phải để nán lại lâu dài. 

Người phụ nữ vươn vai như thể ngái ngủ, liếc nhìn Diệp Anh rồi hỏi:
- Cô thì tính thế nào? 
- Lâu lắm rồi em không tính gì cả, chỉ tận hưởng thôi. 
Diệp Anh cúi xuống, nhìn vào lớp bùn nhão, bốc mùi hôi thối bản thân vừa giẫm phải. Cô buộc túm hai bên dây giầy lại với nhau, lủng lẳng xách trên tay. Người phụ nữ chau mày nhìn Diệp Anh, rồi dừng lại trên chiếc áo khoác bục khuy còn lưu lại một vệt cà phê dài. 
- Ai biết cô trước đây nhìn thấy bộ dạng này chắc tưởng cô lên đây để tu luyện đấy!
Diệp Anh cười trừ. 
- Em trước đây mới là tu luyện. 

Bước chân Diệp Anh chậm dần, thư thái, nhàn tản. Cô không biết vì sao thời gian này bản thân lại thích đi bộ tới vậy. Một mình, cứ đi bao xa tùy thích. Không biết đi tới đâu và đi tới bao giờ. Đôi lúc, dừng lại ở một nơi vô định rồi mò mẫm hoặc tự hỏi đường về. Là cô cố ý thả trôi những suy nghĩ trong đầu để chân bước theo vô thức hay cô thực sự cảm thấy thoải mái, tận hưởng chút yên tĩnh mà bao lâu mới có được?

Chủ nhật – Tháng 5: Nắng mượt mà quết nhẹ lên tán thông 

“Cuộc sống không phải là giấc mơ, chắc chắn vậy, vì nếu coi nó là một giấc mơ thì bạn sẽ mãi chìm đắm trong ảo mộng và tự huyễn hoặc mình về những điều êm dịu, nhẹ nhàng mà có lẽ khi tỉnh lại, mọi chuyện đều sẽ khác. 

Nhưng, trong cuộc sống này, bạn không thể không mơ. Hãy tưởng tượng một chút, thư thái một chút, bạn sẽ thấy, tuy mơ không thể làm đổi thay hiện tại, nhưng mơ sẽ làm cho bạn quên, làm cho bạn nhớ, làm cho bạn có thể có, có thể thấy, có thể ngắm nhìn những điều tưởng như không thể. 

Tôi không rõ lắm về cái được gọi là hư hư thực thực, trong thực là mơ và trong mơ có thực. Nhưng tôi tin, trong giấc mơ, chúng ta vẫn làm chủ được bản thân mình. Đó chính là sự tác động vào những tiềm thức ngủ quên hoặc những ước vọng bấy lâu kìm nén của mỗi một con người. 

Bạn có tin không?

Hãy nhắm mắt lại. Thả lỏng và thư giãn. Liệu bạn thấy gì nào? Nơi bạn thấy, nơi bạn muốn thấy hay nơi ám ảnh bạn? Nó đang nói với bạn một phần tiềm thức ngủ quên hay phần mà bạn hằng ao ước?
Dẫu sao, trên tất cả, tôi mong rằng bạn không cần phải trốn chạy trong mơ để sống thực với chính mình…”

Cầm trên tay chiếc ô kẻ sọc, Diệp Anh chậm rãi bước đi trong buổi chiều âm u, mưa giăng khắp lối. Một không gian tĩnh lặng, ảm đạm bao trùm. Gió đến, lạnh và buồn, cuộn theo từng bước chân, khẽ lay động những cành khẳng khiu, khô khốc. Nó như bàn tay nhỏ gạt sang bên đám lá úa vương vãi dọc lối đi. 

Giật mình, ngẩng đầu nhìn quanh, cả con đường rộng chỉ có một mình Diệp Anh. 

Cô tỉnh dậy khi tách cà phê tiếp theo được đặt xuống bàn, nhanh tay xếp lại tập giấy vừa bị gió hất tung. Đã mấy ngày nay cô không ngủ vì bắt tay vào viết một cuốn sách mới, lấy tựa là “Chạm tới bên trong”. Nó không phải một câu chuyện hay một công trình nghiên cứu, chỉ đơn giản là những chia sẻ hữu ích để vượt qua căng thẳng và thư thái tận hưởng cuộc sống. 

Đôi môi khô khốc mở ra, nhấm nháp tách cappuccino và miếng bánh quy thơm mùi bơ sữa. Cô đưa mắt nhìn quanh một lượt. Gần đây, cô mới phát hiện ra nơi này. Một căn biệt thự cổ được xây hoàn toàn bằng đá với phần ban công, cửa sổ và gác mái lưu lại màu thời gian trên lượt gỗ phủ một lớp bụi mờ. Sân vườn rộng được tận dụng làm quán cà phê. Yên tĩnh, sang trọng và độc đáo là lí do mà nơi này hấp dẫn nhiều lượt khách du lịch. 

Diệp Anh tự hỏi không biết ở nhà người phụ nữ đó đã thức dậy hay còn ngủ nướng. Lục tới điện thoại, cô mới phát hiện tính đãng trí của mình gần đây đã trở nên trầm trọng. Lúc này, một người đàn ông nhỏ bé, gọn gàng trong chiếc áo phông màu xanh nhạt đang tiến về phía cô, cười rạng rỡ. Cô nhướn mày, nâng tách cà phê vừa đặt xuống cụng với tách trà anh ta đang cầm trên tay. Hai người hồ hởi nói vài câu như thể đang gặp gỡ ở một quán bar sôi động. Anh ta là người đang theo đuổi An Nhiên, tính tình vui vẻ, ưa thích văn chương. Bàn đối diện Diệp Anh, ngoài anh ta, đều là nhà thơ, nhà văn và họa sĩ. Chỉ có điều anh ta và con trai An Nhiên không thực sự hòa hợp. Một nhúm tóc thưa thớt anh ta đem vuốt cả sang bên cũng không đủ che bớt mái đầu trọc lốc nhưng lần nào cũng bị thằng bé hết kéo lại giựt. Cặp mắt một mí nhắm tịt, cười khoái trá. 

Cà phê trong tách đột nhiên sóng sánh, Diệp Anh ngẩng đầu nhìn. Thân hình quá cỡ so với chiếc ghế nhỏ, Khải Hưng vụng về ngồi xuống, đặt chiếc điện thoại đang cầm ở tay lên bàn. 
- Của em này!
Lông mày Diệp Anh vẫn chưa thể hạ xuống. Cô xỏ chân vào đôi giầy lăn lốc dưới gầm bàn, hất qua bên vài sợi tóc lờm xờm trên trán. Đoán biết được câu hỏi của Diệp Anh, Khải Hưng nhanh nhẹn mở lời trước. 
- Anh đi với viện trưởng. 
Khải Hưng duỗi thẳng chân, tìm kiếm sự thoải mái. Anh vươn vai, nhìn ngó xung quanh mình. 
- Nơi này ổn đấy. Nhưng em thì có vẻ không ổn. 
Diệp Anh ngồi sát lại mép bàn để che đi vệt cà phê trên áo. Gương mặt điềm nhiên, nhướn mắt nhìn Khải Hưng. 
- Em có gì không ổn. Tinh thần tốt. Tiền vẫn kiếm đều đặn. 
- Chắc rồi. Hôm qua anh đã đọc kịch bản em gửi. Không tồi. 
Diệp Anh sững lại trong giây lát. Giờ thì có lẽ cô đã bị sự thảnh thơi làm cho lú lẫn. Hai file word chắc chắn đã bị gửi nhầm địa chỉ. Cô luống cuống với lấy điện thoại nhưng ngay lúc đó một tin nhắn cũng hiển thị: “Nếu cô không gửi lại cho tôi kịch bản thì đúng, chúng ta sẽ thực sự chia tay nhau.” 

Diệp Anh đặt điện thoại xuống bàn, thở dài. 
- Anh không biết sếp em thế nào. Còn anh, anh thở phào khi đọc được kịch bản đấy. 
- Lát nữa về em sẽ gửi lại. 
Khải Hưng sau chừng ấy thời gian quen biết Diệp Anh cũng đã có được những kiến thức tối thiểu về hành vi của cô. Cô là người ưa đối thoại trực tiếp nhưng lần này cô lại chọn cách gửi mail cho anh, chắc chắn đó là một thông báo, không cần bất cứ sự thảo luận nào. Hiểu được như vậy, Khải Hưng đã chọn cách đi một quãng đường dài để được lên tiếng về quyết định có liên quan đến cả hai người. 

- Anh ở đây rồi, em có thể nói với anh. 
Diệp Anh nhún vai. 
- Em viết xong không có đọc thuộc lòng. 
Cảnh tượng khó khăn này, Khải Hưng trước đó đã có thể mường tượng. 
- Được. Vậy để anh nói. Vụ tai nạn đấy gây ra tình trạng bây giờ của chúng ta và em vì tình trạng này mà quyết định chấm dứt. Nếu là vì thế thì em trở về đi, chúng ta gạt nó qua bên và sống tiếp, như trước đây. Anh không có vấn đề gì cả. 
Diệp Anh liếm môi. Cô cảm thấy cổ họng mình khô khốc. 
- Trước đây có giờ thì không. Em không nghĩ việc có ai đó cứu em năm em 7 tuổi lại là lỗi của em. Nếu người ấy dừng lại và hỏi ý kiến em, biết đâu em lại từ chối. Để không phải có kí ức nào về chuyện đó, để không bị nhìn như kẻ giết người!
- Đấy là chính em nhìn bản thân mình! Chẳng ai nhìn em như thế!
Diệp Anh đứng bật dậy, hai tay bám chặt vào mép bàn. Sau đó, cô cảm thấy những ánh nhìn xung quanh đang đổ dồn về phía mình, bèn thả lỏng, thở hắt ra. 
- Thôi! Bỏ đi!
Cô thu dọn đồ trên bàn, gửi lại tiền rồi nhanh chóng rời đi. 

Khải Hưng gọi đồ ăn. Từ tối qua, bụng anh trống rộng. Là bác sĩ, anh hiểu phải lấp đầy nó mới có thể suy nghĩ cho sáng suốt. Vừa ăn anh vừa nhớ lại bộ phim ngắn mới xem cách đây không lâu. Nó có tên: “The second chance” (Cơ hội thứ hai) 

Một người đàn ông trong một ngày vừa mất việc vừa mất vợ, mất nhà, vất vưởng ngoài đường như một gã ăn mày. Anh ta phải tới xin làm ở công trường. Một hàng dài, chỉ mình anh ta không được gọi đến tên. Anh ta lang thang trên phố từ mờ sáng đến tối mịt, cuối cùng bị một bóng đen lôi vào trong ngõ. Nhận ra anh ta chẳng có gì, hắn đánh anh ta không tiếc sức. Anh ta lăn lốc cạnh một vũng nước hôi thối, cuộn tròn trong bóng tối, bật khóc. Âm thanh, ánh sáng trôi rất nhanh rồi dừng lại trên phố khi mọi người bu kín lấy anh ta, đang nằm sóng xoài giữa lòng đường, trước đầu một xe tải lớn. Cánh tay duy nhất chìa ra đã nhặt lấy chiếc nhẫn cưới rơi bên cạnh, lẩn vào đám đông, biến mất. Được đưa vào bệnh viện, thân xác anh ta bị hoán đổi với một người đàn ông đã nằm bất động suốt 20 năm, duy chỉ có thể cử động được đôi mắt. Nhờ đôi mắt này, anh ta đã chứng kiến được mọi chuyện diễn ra trong bệnh viện, cũng hiểu được sự quý gia và mong manh của sự sống. Anh ta hối hận vì đã tự mình muốn chấm dứt sinh mệnh ấy. Một ngày, người đàn ông trong thân xác của anh ta đến bệnh viện, nhìn anh ta chằm chằm rồi tiêm vào người anh ta một liều thuốc độc. Cảnh kết thúc phim, anh ta khỏe mạnh, ngồi trước hiên nhà, nơi anh ta từng sống khi còn nhỏ, đọc những dòng chữ cuối cùng người đàn ông đó gửi lại: “Tôi đã ở địa ngục suốt 20 năm. Tất cả những gì tôi cần là mượn tạm cuộc sống của anh vài ngày. Giờ tôi trả lại nó cho anh, để anh có thể tiếp tục. Để anh có được cơ hội thứ hai.” 

Đây là kịch bản đầu tay của Diệp Anh. Nó được sử dụng trong một dự án nhằm giúp đỡ những người trẻ tuổi vượt qua ý muốn tự sát trước những khó khăn có thể vấp phải trong cuộc sống. 

Vài ngày trước, bố Khải Hưng đến tìm anh, đưa cho anh một bức ảnh và một đĩa CD. Đó cũng là những thứ bố Diệp Anh từng mang tới cho ông. Ông là người nóng tính và kì lạ. Ông luôn có những nhận định của riêng mình. Sau khi xem xong bộ phim đầu tiên của Diệp Anh, ông quyết định tới gặp và đề nghị người phụ nữ thứ hai trong tấm ảnh giúp đỡ. Vậy là cuộc hẹn gặp ở Paris năm đó được sắp xếp, chỉ tiếc rằng tất cả chỉ thực sự có kết quả khi Khải Hưng đồng ý chuyển tới căn hộ anh đang sống. 

Khải Hưng luôn coi phim ảnh và sách báo là vật phẩm để giải trí, vì thế anh không có thói quen ngẫm nghĩ hay tìm kiếm ý tứ sâu xa của chúng. Nhưng khi tập trung xem phim của Diệp Anh, anh có cảm giác như cô đang miêu tả bản thân mình. Trống rỗng, thất bại, tuyệt vọng và vượt qua, đó là quá trình trưởng thành của cô. Nhưng anh, chỉ có thể nhìn thấy cô ở giai đoạn cuối cùng. Anh luôn bỏ đi hoặc thả lỏng mối quan hệ khi cảm thấy bức bách vì anh nghĩ sự cứng cỏi và cố chấp như tấm khiên, chẳng thứ gì có thể làm cô tổn thương hay thay đổi. 

Giờ cô ở đây, trước mặt anh, hoàn toàn khác. 

Sự kết hợp giữa mì Ý và cà phê đen đặc, Khải Hưng không biết nên gọi nó gì. Mọi thứ lạo xạo trong dạ dày anh. Anh đứng lên, rời khỏi quán. 

Một ngày nắng đẹp. Khải Hưng kéo cho phẳng tay áo vừa xắn lên. Anh đi dạo loang quanh, cuối cùng phát hiện ra một cây cầu cũ, bèn tò mò bước lên. Bàn chân to bản khiến những mối nối đã cũ kêu cọt kẹt như thể sắp bung ra. Một người đàn ông lạ mặt quay sang, liếc mắt nhìn cách di chuyển nặng nề của Khải Hưng đang khiến cây cầu chao đảo. Anh lặng thinh, chọn một chỗ đứng, đặt tay lên thành cầu, đưa mắt nhìn xung quanh. Một màu xanh phủ kín các triền đồi. 

Thấy Khải Hưng liên tục thay đổi tư thế, người đàn ông kia cau mày, nhắc nhở: 
- Phía dưới kia không an toàn đâu! 
Bên dưới, nước hiền hòa, chảy qua những tảng đá lớn. Nhìn ở khoảng cách này, chẳng ai nghĩ rằng vực sâu kia là nơi nguy hiểm, không thể tùy tiện đi lại. 
Khải Hưng cười trừ, cố ý tỏ ra thân thiện, dù sao anh cũng đang cần người để giải khuây. 
- Không thể tưởng tượng được ngã xuống đó sẽ thế nào. 
Người đàn ông nhặt lấy một mẩu gỗ vừa mẻ ra, vứt xuống dưới. Vỡ nát. 
- Nếu là người chắc chắn không đơn giản thế đâu. 
Nói rồi, anh ta bỏ đi. Gương mặt vẫn chưa thể giãn ra. 

Khải Hưng không biết có phải mọi người đến nơi yên tĩnh này vốn để suy nghĩ điều gì đó hay cố sức làm ra vẻ đăm chiêu để phù hợp với cảnh quan xung quanh. Anh tò mò Diệp Anh rút cục mỗi ngày tại sao lại muốn đi bộ tới nơi này và khi đứng đây cô đã nghĩ những gì.

Thứ hai –Tháng 5: Mưa, nắng, gió, thiên nhiên dường như cũng đang lựa chọn tâm trạng cho riêng mình. 

Để thích nghi và tồn tại, tắc kè hoa có thể đổi màu. Phụ nữ cũng như vậy, thậm chí còn tài tình hơn, bởi họ có thể thay đổi cả bề ngoài lẫn tâm tính. Diệp Anh mỗi sáng sau khi thức dậy đều được tận mắt chứng kiến sự kì diệu này của tạo hóa. 

An Nhiên trước kia làm việc gì cũng chậm rãi, gọn gàng, sau khi sinh con đã hoàn toàn đổi khác. Buổi sáng, cô hằn học với mái tóc bới vội, buộc túm ra sau bằng vài sợi chun đủ màu, gắt gỏng ngồi xổm trên nền đất, dồn sức giằng tay đứa con trai ra khỏi hàng rào rồi kéo lê nó trên đường như một kiện hàng đến tận nhà trẻ. Hai người đã đi khuất, tiếng la hét còn nghe rõ. Khi mặt trời mệt nhọc lặn xuống, ngược chiều từ trường về nhà, hai mẹ con họ một lần nữa diễn lại cảnh tượng ban sáng, không chút khác biệt. Rút cục, thằng bé thích ở nhà hay đến trường, không ai đoán được. Nhưng đó chỉ là khởi đầu, buổi tối mới thực sự là cuộc chiến. Một bát cơm hai xấp đĩa hoạt hình vẫn chưa suy suyển. Thằng bé chỉ hít lấy nước, rồi ngậm chặt bã trong miệng, lì lợm không chịu nuốt xuống. Đôi khi An Nhiên nổi cáu, cho thằng bé một cái bạt tai. Cuối cùng, nước mũi, nước mắt tùm lum, cô quệt với thìa cơm đầy bỏ vào miệng thằng bé. Thỉnh thoảng, nhân lúc Diệp Anh bất cẩn, thằng bé chỉ một lần nhấp chuột đã xóa sạch toàn bộ công sức làm việc suốt đêm của cô. An Nhiên biết được, bắt thằng bé đứng ngoài sân cho tới khi nó chịu xin lỗi. Một tiếng đồng hồ, nó giậm chân, mặc sức la hét. Diệp Anh và An Nhiên chứng kiến tất cả, chậm rãi nhấm nháp tách cà phê còn nóng, tận hưởng buổi tối yên tĩnh sau lượt kính cách âm. 

Diệp Anh áp tách cà phê lên má, liếc nhìn An Nhiên, hỏi: 
- Cậu cứ để thằng bé thế hả? 
- Yên tâm, lát uống xong mình ra trói nó vào. 
- Ai không biết chắc tưởng cậu là mẹ ghẻ. 
- Được thế thì tốt. Có thể bỏ mặc mà không mảy may áy náy. 
- Tới tận bây giờ cậu vẫn kiên trì là vì áy náy sao? 
An Nhiên mỉm cười. Giờ Diệp Anh mới nhìn rõ những nếp nhăn quanh khóe miệng và đuôi mắt của cô. 
- Lúc mới đến đây, thực sự rất vất vả. Mình từng nghĩ hay đưa thằng bé cho mẹ mình để bản thân được rảnh rang bắt đầu lại. Nhiều lần chần chừ, giờ nó đã lớn bằng từng này. Một bát cơm cũng tốn hơn hai tiếng đồng hồ. Công sức đấy sao mình để cho người khác được. 

Rặng hoa mùa trước An Nhiên tự tay trồng giờ đã nở, phủ kín khoảng đất khô cằn. Người ta nói con cái như chiếc “boomerang” dù có ném đi bao xa, rút cục nó sẽ lại quay về, đôi khi bất cẩn, chính nó sẽ làm ta bị thương. An Nhiên không muốn trở thành chiếc boomerang. Một đứa con, nhiều lời đồn đại về cuộc hôn nhân không toàn vẹn và người chồng tồi tệ chắc chắn sẽ đặt thêm gánh nặng lên vai mẹ cô, người phụ nữ suốt đời chưa được thỏa thuê cười một lần. Tới nơi chưa từng tới, làm những việc chưa từng làm, hoàn toàn đơn độc, An Nhiên trở thành phụ nữ sau khi làm mẹ. 

An Nhiên nhìn thằng bé, lắc đầu, than vãn: 
- Không biết nó giống ai nữa! 
Diệp Anh như nhìn thấy bản sao của mình lúc nhỏ, vỗ nhẹ vai An Nhiên, ôn tồn: 
- Cậu cho thằng bé vào nhà đi. Nó sẽ không xin lỗi đâu. Muộn rồi, để hàng xóm còn ngủ. 

Đèn đã tắt. Thành phố chìm vào yên lặng. An Nhiên và thằng bé cũng đã ngủ say. Trong phòng khách, mình Diệp Anh còn ngồi lại. Ngoài cửa sổ, mưa đột nhiên trút xuống. Cảnh vật yên bình thường nhật như bức tranh bị lớp nước rửa trôi lượt sơn mới phủ lên, đằng sau lộ ra vẻ lạnh lẽo, cô quạnh. Hàng cây um tùm trước nhà giờ chỉ còn một màu tối đen. Con đường chạy qua thêm dài và xa. Diệp Anh đứng dậy, tiến lại gần cửa sổ. Từ chiếc radio cũ trên kệ sách đang vang lên một giọng đọc trầm ấm. 

Câu chuyện đầu tiên được chia sẻ là lời đồn đại về loài “huyết điệp”. 

“You are my memory” (Anh là kí ức) là bản nhạc một người phụ nữ sáng tác trước khi qua đời. Đối với bà, người chồng chính là “kí ức”, là thứ duy nhất bà có thể mang theo sang thế giới bên kia. Bà qua đời, người chồng vì thương nhớ đã chơi bản nhạc đó, rồi tự sát. Máu của ông chảy xuống phím đàn hóa thành loài bướm đỏ, chảy theo dòng hải lưu có dải tro của người phụ nữ, như lời hứa về một tình yêu không bao giờ thay đổi. Những dòng chữ ở một góc bản nhạc được đọc lên: 

“Chút đắng ban đầu của lời từ biệt thoảng qua trên đầu lưỡi, để rồi cuối cùng, lắng lại là vị ngọt ngào của hạnh phúc. Hơn cả sinh mạng, thứ duy nhất em có thể mang theo sang thế giới bên kia là kí ức, là anh. Thanh thản, mãn nguyện, tự do buông mình vào khoảng không tĩnh tại vì biết trái tim chẳng bao giờ ngừng đập.” 

So với câu chuyện đầu tiên, câu chuyện thứ hai nhẹ nhàng, ít luyến tiếc hơn. Đó là câu chuyện của chính phát thanh viên. 

“Mối tình đầu, không hứa hẹn, nó tan biến trong thanh thản, nhẹ nhàng. Không vĩnh cửu, nó khẽ đặt vào tâm trí tôi những kỉ niệm ngọt ngào, sống động. Chưa từng nói yêu, chưa từng níu giữ nhưng nỗi đau mất mát đủ để tôi biết, nó từng tồn tại.” 

Câu hỏi cuối cùng đặt ra trước khi những đoạn nhạc không lời được phát liên tiếp: “Luyến tiếc, bạn có không?” 

Hơi thở của Diệp Anh làm mờ mặt kính. Ngọn đèn cao áp trước nhà đột nhiên tắt phụt. Cô thở dài, rò rẫm về phòng mình, leo lên giường, trùm chăn kín mít. Ngoài trời, khí lạnh sẽ mau tan khi mặt trời ló rạng. 

Khoảng thời gian sau đó, An Nhiên cuối cùng cũng chấp nhận thuê người giúp việc. Một buổi sáng, đập vào mắt Diệp Anh sau chuyến công tác dài ngày là một chiếc váy đỏ chấm bi khổ rộng đang cúi rạp trên nền đất, cặm cụi khua bụi bẩn từ khắp gầm giường và gầm ghế ra ngoài. Đó là một cô gái ngoài 20 với thân hình đồ sộ, mái tóc dày búi cao. Ngay khi nhận ra sự có mặt của Diệp Anh, cô ta đứng bật dậy, lịch sự chào: 
- Cháu chào cô! 
Diệp Anh nhướn mày, gượng cười đáp lại, rồi để vali qua bên. Trước khi trở ra phòng khách, Diệp Anh còn kịp thấy cô ta nhanh nhẹn với lấy xấp bản thảo trên bàn dùng để hót gọn đám rác dưới chân. 

Thấy Diệp Anh đã về, ngồi yên lặng trên ghế sofa, An Nhiên tiến tới, vỗ vai: 
- Vất vả không? 
Diệp Anh tu một hơi cạn cốc nước vừa rót ra, gật đầu. 
- Vất vả. Thế mới tàn tạ tới độ vừa về đã có người chào là cô. 
An Nhiên gập người cười lớn. Diệp Anh với lấy điều khiển tivi, cố ý bật tiếng to hơn bình thường. 

Trái với vẻ bề ngoài xuề xòa, cô gái này làm việc rất chu đáo, lại hết sức siêng năng. Mọi việc diễn ra suôn sẻ cho tới khi cô ta nhận được một cú điện thoại, sốt sắng gói ghém đồ đạc về quê rồi từ đó không trở lại. Chỉ vài ngày, An Nhiên nghe nói cô ta đã kết hôn và có thai được 2 tháng. Diệp Anh và An Nhiên ngồi đối diện nhau, thất thần, không hiểu đã có chuyện gì xảy ra và xảy ra như thế nào. Chưa kịp nghĩ xong, An Nhiên đã nhận được lệnh đi công tác một tuần. Cô liếc nhìn Diệp Anh, thở dài. Cuối cùng, người duy nhất cô có thể giao phó lại là người cô không thể tin tưởng. 

Diệp Anh có em trai, vậy nên các chiêu thức để đối phó cô tích lũy được không ít. Chỉ có điều ngày cuối cùng trước khi An Nhiên về đã xảy ra một chuyện. Diệp Anh vừa quay đi vài giây để lấy cốc sữa đã hâm nóng thì thằng bé từ đâu nhảy xuống, nằm rạp trên nền đất, đầu bê bết máu. Diệp Anh luống cuống. Đúng lúc đó, bên ngoài có người bấm chuông. Đoán rằng An Nhiên đã về, Diệp Anh càng thêm hốt hoảng, không biết nên cứu thằng bé trước hay cứu mình trước. Cô vội vàng với lấy chiếc khăn vắt trên thành ghế rịt vào vết thương, bế thằng bé lên tay chạy ra mở cửa vì nghĩ dù sao để An Nhiên xử lí việc này vẫn tốt hơn. Tiếc rằng, cánh cửa mở ra, người đứng đó không phải An Nhiên mà là Khải Hưng. Diệp Anh sững lại trong vài giây, sau đó nhanh chóng kéo tay anh vào trong, khoa chân múa tay miêu tả lại những gì vừa xảy ra. 

Một vết thương nhẹ, Khải Hưng đã cẩn thận băng lại, Diệp Anh còn cúi xuống, chăm chú xem xét. Cô liếc nhìn thằng bé. Nó không khóc một tiếng, chỉ lì lợm bặm môi. Giờ nó đang thích thú nắm chặt tóc Khải Hưng, giật qua giật lại. 

Diệp Anh đã biết câu trả lời nhưng vẫn không thôi hỏi đi hỏi lại:
- Anh chắc chắn không phải khâu đấy chứ? 
Khải Hưng cau mày, hằn học đáp lại:
- Hay là thế ? Anh cũng đang muốn khâu lại đây. Em có thể bảo nó bỏ tóc anh ra không? Giật thế này thì còn gì là đầu nữa!
Diệp Anh tảng lờ lời Khải Hưng, thở phào ngồi lên ghế, day day trán. Cô cảm thấy choáng váng như chỗ máu bị mất đi là của mình, chứ không phải của thằng bé. 

Thằng bé chơi mệt lăn ra ngủ từ lúc nào không biết. Khải Hưng kéo tay áo Diệp Anh, lay cô dậy. Cô uể oải đẩy mi mắt chỉ vừa kịp khép lại. Khải Hưng cúi đầu nhìn cô, thì thầm vì không muốn đánh thức thằng bé:
- Em dậy đi. Chúng ta đi dạo một lát. 
- Thằng bé thì sao?
Khải Hưng bế xốc thằng bé lên vai. Diệp Anh hốt hoảng, bật dậy. 
- Nó có phải bao xi măng đâu mà anh vác thế. 
Khải Hưng còn tưởng cô sẽ đưa tay đỡ lấy thằng bé không ngờ cô chỉ chỉnh lại để nó có tư thế thoải mái hơn, sau đó lấy chiếc áo khoác len của mình choàng qua người nó. Thấy Khải Hưng nhìn cô chằm chằm, cô nhướn mày, hất cằm về phía cửa. 
- Đi thôi!

Nắng nhẹ, gió nhẹ, một mùi hương phảng phất trong không khí. Cánh mũi Diệp Anh khẽ cử động. Mùi hương này rất quen nhưng cô lại không thể nhớ ra là từ loại cây nào. Nó như đang chơi trốn tìm với khứu giác của cô, lúc gần lúc xa, lúc rõ rệt lúc lại chỉ thoáng qua. Ngọt dịu, ấm áp, nó đánh thức sự hưng phấn trong cô. Cô đưa mắt nhìn quanh, chỉ có những dây leo khô cứng đan vào nhau, vặn thừng trên bức tường đá kế bên. Phía trong là một biệt thự bỏ không, kiên cố và biệt lập như một pháo đài. Cô khẽ mỉm cười, có lẽ vào một ngày nắng đẹp, endorphine có thể biến ảo giác thành hiện thực. 

Mái tóc chải vội lòa xòa rũ xuống, bàn tay giấu trong túi áo rộng, Khải Hưng yên lặng nhìn Diệp Anh từ sau lưng rồi tiến nhanh về phía trước, kéo cô đi chậm lại. Cô liếc nhìn anh, từ tốn hỏi:
- Sao tự dưng hôm nay anh đến tìm em?
- Anh không tìm em. Anh tìm An Nhiên. Là em không hỏi han đã xồng xộc kéo anh vào nhà đấy chứ.
- An Nhiên? Anh có việc gì với cô ấy?
- Không phải anh, mà là sếp của anh. 
Diệp Anh sững lại, níu tay áo Khải Hưng. 
- Sếp anh? Không phải lần trước đến đây, viện trưởng đã…
Khải Hưng kéo Diệp Anh ngồi xuống một gốc cây gần đó trước khi trí tưởng tượng của cô tiếp tục đi xa hơn. 
- Đấy là sếp cũ. Còn sếp hiện tại của anh chính là chủ quán cà phê anh gặp em lần đầu tới đây. Tuần sau anh ta cưới. Em không đến quán. An Nhiên cũng không liên lạc được. Anh ta bận nhiều chuyện nên nhờ anh tới thông báo một tiếng. 
Diệp Anh yên lặng, đăm đăm nhìn Khải Hưng. Anh lục tìm trong túi áo khoác của mình rồi rút ra một tấm thiệp cưới màu vàng nhạt. 
- Em không tin thì đây, thiệp cưới đây. 
Diệp Anh gạt tấm thiệp qua bên, ánh nhìn vẫn chưa hề dịch chuyển. 
- Anh ta có cưới hay không, em không quan tâm. Chuyện em muốn biết là tại sao tự dưng anh ta lại là sếp của anh?
Khải Hưng chậm rãi duỗi thẳng chân và chỉnh lại chiếc áo len khoác bên ngoài thằng bé, cười trừ. 
- Xem ra không phải em không trả lời mà là chưa từng đọc mail anh gửi. 
Khải Hưng thở dài, cố nhớ xem nên tóm tắt hàng chục bức thư dài thành vài câu ngắn gọn thế nào. 
- Lần trước, sau khi ăn đồ ăn ở quán đó, anh đã góp ý vài câu với anh ta. Không ngờ sau khi quay về giải quyết một số việc, trở lại, anh ta còn nhớ rõ, lập tức cho anh làm đầu bếp.
- Quay về giải quyết một số việc? Ý anh là bỏ bệnh viện để đi nấu ăn và bỏ đồng bằng để lên núi? Anh định làm gì với cuộc đời mình vậy?
- Làm gì? Anh còn định hỏi nó đang làm gì với anh. Anh chưa từng bị phụ nữ bỏ rơi. Vậy mà cuối cùng bị vứt qua bên, đến nói cũng chưa nói được lời nào. 
Diệp Anh quay qua bên, lảng tránh ánh nhìn của Khải Hưng. 
- Nếu em để anh nói thì không biết đến bao giờ chúng ta mới kết thúc chuyện này. 
- Được. Em muốn anh không dài dòng phải không? Vậy anh ngắn gọn. 
Khải Hưng nuốt nước miếng như thể đang chuẩn bị cho một bài thuyết trình. 
- Em nói anh dè chừng và lảng tránh em là vì anh thực sự nghĩ em là người gây ra cái chết của mẹ anh. Tốt thôi. Giờ anh cũng sẽ nghĩ như cách em muốn. Vì em mà anh mất mẹ. Vì em mà anh không có được sự yêu thương đúng như anh phải có. Thế nên đáng lẽ em phải bù đắp cho anh, chứ không phải vứt bỏ anh để coi như kí ức đó chưa hề tồn tại. 
Diệp Anh như đang định nói điều gì đó thì bị Khải Hưng chặn lại. 
- Chuyện này không thể kết thúc là vì em nói quá nhiều, chứ không phải anh. Em luôn dùng lời lẽ để chèn ép anh trước khi anh kịp nghĩ ra lí lẽ của riêng mình. Giờ thì đến lượt anh. 
Khải Hưng bình tĩnh nói tiếp:
- Con người ai cũng có phần ích kỉ và đố kị. Mẹ anh qua đời lúc anh 9 tuổi, còn em 7 tuổi. Em lớn lên có đầy đủ sự chăm sóc của cha mẹ. Hơn thế, xung quanh có không ít người yêu thương, chú ý đến em. Còn anh thì sao? Khi biết được chuyện đó, anh cũng cần có khoảng thời gian riêng để điều chỉnh cảm xúc, để hiểu ra trong chuyện này không ai có lỗi, chứ không phải lảng tránh. Hơn nữa, em nhạy cảm, luôn không nói hết suy nghĩ của mình, anh thận trọng để không đặt vụ tai nạn đó vào giữa mối quan hệ của chúng ta, chứ không phải dè chừng. 
Diệp Anh không có khoảng trống nào để chen vào giữa lời nói của Khải Hưng.
- Em từng nói, không thể dùng định kiến của bản thân để cố chấp đến cùng, cũng nên cho người khác cơ hội để chứng mình điều ngược lại. Thế nên em không quay về thì anh đến đây, em không trả lời thì anh tới gặp. Anh sẽ khiến cho em thấy anh không thay đổi và cũng không có ý định từ bỏ bất cứ thứ gì anh đã bắt đầu. 
Khải Hưng đặt đứa bé vào tay Diệp Anh, từ từ đứng dậy. Anh cúi xuống, ghé sát vào gương mặt Diệp Anh, thì thầm:
- Quán anh mới đổi menu. Rất ngon. Lần sau đến, em có thể bế cả thằng bé theo. 

Khải Hưng đã đi khuất, Diệp Anh còn ngồi lại. Từng đợt gió nhẹ lượn vòng, quấn quít trên đám cỏ non. Mùi hương ban nãy lại xuất hiện, xộc vào khứu giác khiến Diệp Anh như bừng tỉnh. Cô đưa tay, sờ lên lượt giấy mềm màu vàng nhạt của tấm thiệp cưới. 

An Nhiên vì cưới nhầm người, luôn nuối tiếc thời gian và tình cảm đã bỏ ra. May mắn, đứa con có thể bù đắp những tổn thương cô phải chịu đựng. Nhưng chính đứa con này lại cản trở hạnh phúc một lần nữa cô muốn có được. Diệp Anh thở dài, đắn đo không biết nên đưa hay không đưa tấm thiệp cưới này cho An Nhiên. 

Cuộc đời là chuỗi dài những luyến tiếc. Mọi lựa chọn đều đòi hỏi chi phí cơ hội. Diệp Anh thực sự không muốn Khải Hưng đối với cô chỉ là sự luyến tiếc.


Ads

[Tiểu thuyết] Que kem nhà tôi
[Tiểu thuyết] Que kem nhà tôi
Nó chẳng thèm nhìn, chỉ cầm qua loa, tiếp tục nằm dựa về tường, ngả về sau, úp cuốn sách lên mặt.
Powered by 15giay
Copyright © 2014, Minh Hằng
skyhome - sms valentine - loi chuc valentine hay nhat, Tin nhan chuc Valentine 2014